Cuộc chiến hào gia chương 21 | Cuộc chiến của bà Lan và bà Diệu
Thấy chị Bé Tư cứ loay hoay lau chùi bộ bàn ghế làm bà Lan bực mình. Không hiểu thằng Gia Huy đi đâu mà lại khóa điện thoại, có biết bà già này đang lo lắng không? Từ sáng đến giờ nó không nói với bà nửa lời, cả tình hình ở cơ quan công an cũng không nói với mẹ. Về nhà là lên thẳng phòng mà không nhìn đến mẹ đang ngồi chờ hàng giờ để biết tin tức. Cứ tưởng nó thay đồ xong sẽ xuống nói chuyện để mẹ đỡ lo, nhưng không, nó đi luôn mà cũng không chào không hỏi hay nói đi đâu.
Vốn đã bực trong người lại thấy chị Bé Tư cứ đi lại trước mặt, làm bà ta ngứa mắt. Bà quát với vẻ bực tức:
Này chị kia, chị có mắt không hả?
Chị Bé Tư ấp úng:
Dạ, tôi…
Việc của chị ở dưới nhà bếp, chị lên đây làm gì? Đi chỗ khác ngay…
Dạ… bà Hai kêu tôi lau chùi bộ sofa…
Lúc đó bà Nhã Trúc từ cầu thang đi xuống hỏi:
Chị Bé Tư, lau xong chưa?
Chị Bé Tư ấp úng:
Dạ, sắp xong rồi, chỉ còn chỗ bà Ba ngồi là xong…
Bà Lan cười giả lả:
Tôi thấy cô Bé Tư lau chùi bàn ghế, hàng ngày việc này là của cô Lành mà.
Cô Lành hay ai thì cũng là người làm công ăn lương. Cô Bé Tư từ nay làm việc này cho tôi. Tiện thể canh chừng luôn kẻ trộm đồ…
Bà Lan gay gắt:
Chị đang nói ai là kẻ trộm? Trong khi có mình tôi ở đây…
Bà Nhã Trúc không nhìn lại, trả lời trống không:
Người nào làm thì người đó biết…
Rồi bà quay sang chị Bé Tư:
Bộ sofa này hơn 20 năm chưa lau, nay chị lau kỹ dùm tôi…
Dạ, bà chủ…
Bà Lan tức sôi máu nhưng cố gắng kiềm chế lại, vì bây giờ bà chưa nói chuyện với con. Hơn nữa ông Vĩnh bị tai nạn, thái độ vừa rồi của bà là có ý gì chứ? Đừng thấy bà nhún nhường chịu đựng mà lên mặt, tia mắt bà bỗng hằn màu đỏ vô cùng độc ác. Thôi thì lui một bước chờ cơ hội thì sẽ ra tay. Nghĩ như vậy, bà đứng dậy đi ra ngoài ngắm cảnh, để cho chị Bé Tư làm việc xong.
Chỉ chờ có thế, bà Nhã Trúc đi lại bộ sofa như kiểm tra vệ sinh, nhưng nhanh chóng cài một máy ghi âm nhỏ vào gầm ghế nơi bà Lan thường ngồi. Bà nói với chị Bé Tư cố ý để bà Lan nghe thấy:
Chị làm vậy là tôi ưng ý, xong việc chị xuống nhà ăn phụ mấy người nghe hôn…
Dạ, vậy hàng ngày tôi vẫn làm như hôm nay phải không ạ?
Đúng vậy, thôi đến giờ tụng kinh rồi, tôi lên phòng nghen…
Bà Nhã Trúc nói xong rồi đi lên lầu. Khoảng 30 phút sau, chị Bé Tư cũng rời đi. Khi tiếng chân xa dần, bà Lan quay trở lại và tiếp tục chờ đợi. Nghe tin ông Vĩnh phải mổ, bà cũng muốn đến bệnh viện chăm ông ấy. Nhưng nghe nói có đến đó cũng ngồi ngoài chờ, vì ổng ở trong phòng đã có bác sỹ chăm sóc chu đáo. Hơn nữa, bây giờ bà ruột gan nóng như lửa đốt, tâm trí không thể chăm sóc cho ổng được nữa.
Đúng lúc đó thì Gia Huy về, bà mừng rỡ định chạy ra thì thấy vẻ mặt hằm hằm có vẻ không vui của con trai nên dừng lại. Vừa vào đến phòng và nhìn thấy mẹ thì anh hỏi ngay:
Tại sao mẹ đẩy ông Nội té cầu thang?
Bị hỏi bất ngờ, bà Lan mặt tái mét, miệng lắp bắp:
Mày… mày vừa nói cái gì?
Tại sao mẹ lại đẩy ông nội xuống cầu thang? Tại sao mẹ lại giết ông?
Thái độ của mẹ chính là câu trả lời làm Gia Huy cảm thấy như đang bị bóp nát trái tim đến nghẹt thở, như vậy đúng là ông nội đã chết oan. Trời ơi anh phải làm gì bây giờ? Ngày đó anh chỉ giận mẹ vì lòng thù hận ghen ghét, mà không cứu khi thấy ông gặp nạn, chứ không thể ngờ rằng mẹ chính là kẻ giết người, mà giết chính cha ruột của chồng mình, một người già yếu không có khả năng chống đỡ. Anh chỉ thẳng vào mặt mẹ mà đau khổ thốt lên:
Tại sao tôi lại có thể là con của Bà? Một kẻ giết người chứ? Bà là ác quỷ…
Bà Lan hốt hoảng lấy tay bịt miệng con trai, giọng như van xin:
Mẹ xin con, nói nhỏ một chút được không kẻo bà ta và mọi người nghe thấy…
Vậy là mẹ công nhận rồi đúng không?
Mẹ không cố ý, suốt bao nhiêu năm nay mẹ cũng day dứt lắm…
Trời ơi, thà bà chối có khi tôi còn không đau khổ như thế này…
Gia Huy ôm mặt đau khổ, anh thấy thương ông nội vô cùng, nhưng bây giờ người gây ra chuyện này lại chính là mẹ của anh, giờ có muốn như thế nào thì ông cũng không thể sống lại được, anh đã hẹn với sư Thầy sẽ làm lễ giải oan để ông siêu thoát…
Bà Lan cũng ôm mặt khóc tỏ vẻ ân hận khi con trai bỗng nhắc lại chuyện ngày xưa. Ngày đó Ba chồng rất khó tính và có vẻ ác cảm với bà, con dâu làm việc gì ông cụ cũng chê, nhưng tức nhất là hơi một tý là ông lại lôi bà Nhã Trúc ra để so sánh. Dù sao thì bà cũng đã lấy ông Vĩnh và chấp nhận cuộc đời không danh phận, vậy mà ông cụ lúc nào cũng soi mói và tỏ ra không đồng ý…
Bỗng như nhớ ra điều gì, bà hỏi con:
Mà tại sao bỗng dưng con lại hỏi chuyện đó?
Ông nội báo mộng, nói mẹ đẩy ông xuống cầu thang, ông trách con tại sao không cứu ông?
Bà Lan tuy hơi ngạc nhiên nhưng cũng không giấu được vẻ bực tức, bà nói một mình:
Đúng là cha già mất nết, sao hồi đó không về đi mà để đến tận hôm nay? Có phải ông chờ thằng Gia Huy lớn lên không? thì làm được gì chứ? Tiếc rằng hồi đó còn trẻ nên tôi không xin thầy mo lá bùa yểm cho ông tuyệt mạch luôn…
Vì Gia Huy đứng dậy đi lên phòng nên không nghe thấy câu nói đó của mẹ. Anh mệt mỏi thả người xuống giường, vậy là anh đã thực hiện được việc thứ nhất, chỉ chờ sư thầy chuẩn bị xong là làm lễ giải oan cho ông. Việc bây giờ và cũng là khó khăn nhất là làm cách nào xin mẹ Hai rút đơn về. Nếu mẹ hỏi anh đã làm gì với cặp tỳ hưu thì anh biết trả lời thế nào? Rồi tiền đâu mà lấy về? Chợt nhớ đến Gia Minh, chỉ có anh Gia Minh mới cứu được anh lúc này. Gia Huy vùng dậy đi đến bệnh viện, cho dù có phải quỳ phải lạy thì anh cũng xin anh Hai cứu giúp…
Thấy con trai đi rất nhanh ra ngoài, bà Lan nói theo:
Con lại đi đâu đấy?
Con đến bệnh viện…
Chờ mẹ đi với…
Gia Huy không trả lời mà cứ thế đi ra ngoài. Đến khi bà Lan thay xong bộ đồ chạy ra thì anh đã đi từ hồi nào. Vừa hay một chiếc xe taxi vừa đi đến bà liền đưa tay vẫy. Cánh cửa xe vừa đóng lại thì chiếc xe chạy đi rất nhanh làm bà ngạc nhiên:
Ủa, anh có biết tôi đi đâu không?
Anh tài xế không trả lời mà vẫn cho xe chạy. Bà Lan ngạc nhiên:
Cho tôi đến bệnh viện đại học y dược…
Nói xong bà ngả lưng ra ghế. Không hiểu sao bà thấy lưng đau ê ẩm, từ sáng đến giờ toàn chuyện gì đâu làm bà bực mình. Thôi thì đến bệnh viện xem ca mổ thế nào cho đỡ khó coi. Rồi ghé mua một cái sim điện thoại gọi cho vợ ông Hòa xem tình hình của ông thế nào?
Bỗng Két, tiếng thắng của xe làm bà giật mình. Nhìn ra cửa thì thấy xe đã vào đến sân của cơ quan điều tra. Bà hốt hoảng hỏi tài xế:
Cậu đi đâu thế hả? tôi kêu cậu chở đến bệnh viện đại học y dược cơ mà…
Lúc này cậu tài xế mới lên tiếng:
Rõ ràng bà kêu tôi chở đến đây, giờ bà nói gì vậy? Hay là muốn quỵt tiền thì nói đại ra đi…
Bà nổi điên định chửi cho cái thằng tài xế khùng này một trận nhưng chợt bà dừng lại vì đây là cơ quan điều tra, lơ mơ lại gặp rắc rối. Bà không cãi nhau nữa mà rút 2 tờ tiền 500 ngàn dúi vào tay anh ta, giọng năn nỉ:
Chắc tôi nói nhầm, mong chú thông cảm…
Giờ ý bà thế nào?
Tôi trả tiền trước, chú cho tôi đến bệnh viện đại học y dược…
Bà tưởng một triệu của bà là lớn lắm hả? Xe tôi hết xăng rồi, mời bà xuống kêu xe khác…
Vậy xin chú lùi xe ra ngoài cho tôi xuống đón xe…
Đã bảo xe hết xăng thì lùi làm sao được, bà xuống xe đi…
Cực chẳng đã, bà Lan đành bước xuống định bụng đi thật nhanh ra ngoài. Nhưng có tiếng ai đó gọi tên bà:
Chị Thúy Lan…
Ngơ ngác quay lại nhìn, bà ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ đang đi lại phía mình, miệng nở nụ cười thật tươi:
Em Diệu nè, chị có nhận ra không?
Khuôn mặt bà Lan bỗng trở nên trắng bệch khi nhận ra cô Diệu chính là em gái của Nam, người yêu cũ của bà. Nhưng lúc này bà không thể để cho cô ta nhận ra mình nên trả lời:
Chào cô, chắc cô nhầm tôi với ai rồi…
Một thoáng ngạc nhiên, bà Diệu cười khẩy:
Bà chị cũng khéo đùa, nhưng chị có thể lừa được anh Nam chứ làm sao mà lừa được tôi, ngay cái vòng chị mang ở tay cũng là vòng của mẹ tôi, gặp ở đây rồi biết điều thì chị nên trả lại,…
Bà Lan suy nghĩ nhanh và cảm thấy rất tức giận. Thế quái nào mà lại gặp nó ở đây chứ? Nhìn hai mắt của Diệu xoáy vào chiếc vòng trên cổ tay thì bà bực mình. Nhưng nếu mình nhượng bộ đưa chiếc vòng cho nó thì hóa ra mình công nhận những gì nó nói hay sao. Chiếc vòng này ngày xưa Nam đã tặng cho bà. Thực tình bà cũng chẳng muốn giữ làm gì nhưng vì nay nó đã chật do bà mập ra so với hồi con gái nên không tháo ra được.
Vấn đề không phải ở chỗ tiếc chiếc vòng mà ở đây là cơ quan điều tra. Hơn nữa bà đã lỡ miệng nói không quen cô ta, bây giờ lại công nhận thì há chẳng phải bà là người luyên thuyên hay sao? Thôi thì đã lỡ rồi thì cũng theo luôn. Bà trả lời:
Tôi với cô ra ngoài nói chuyện, ở đây không tiện…
Nhưng bà Diệu cũng không phải dạng vừa. Bà ta cứ túm lấy cái vòng mà kéo, nhưng cái vòng vốn đã chật nay lại bị kéo mạnh làm bà Lan đau đớn. Thấy hai người giằng co nhau giữa sân nên bảo vệ đi ra mời hai người vào phòng làm việc. Bà Lan nhất định không vào nhưng bà Diệu thì không chịu. Sau một hồi nói đi nói lại, cuối cùng hai người đành đi vào một phòng bảo vệ để giải quyết…