Cơ thể có tới 6 loại mỡ khác nhau với nhiều vai trò tốt – xấu không giống nhau. Có những loại mỡ nào trong cơ thể? Làm sao để giảm mỡ thừa đúng cách?
Tóm tắt bài viết
Các loại mỡ trong cơ thể
1. Mỡ thiết yếu
Đây là mỡ tốt và cần thiết mà cơ thể cần để duy trì sự sống. Mỡ thiết yếu giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, hấp thụ vitamin, cấu trúc tế bào và tham gia vào quá trình sản xuất các kích thích tố như hormone sinh sản.
Mỡ thiết yếu được tìm thấy ở nhiều vị trí trong cơ thể như màng thần kinh, tủy xương, màng bảo vệ các cơ quan của cơ thể. Mỡ này hoàn toàn không phải là mỡ dưới da hay mỡ nội tạng.
Để duy trì sức khỏe tốt phụ nữ cần 10-13% và nam giới cần 2-4% mỡ thiết yếu trên tổng trọng lượng cơ thể. Nếu tỷ lệ mỡ thiết yếu quá thấp cũng có thể làm mất khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Mỡ nâu
Mỡ nâu là mỡ tốt gồm những giọt nhỏ chất béo và một số lượng lớn ty thể có chứa sắt, cùng với rất nhiều mạch máu khiến mỡ có màu nâu. Mỡ nâu thường tích tụ quanh vai và cổ, chiếm khoảng 5% tổng khối lượng cơ thể trẻ sơ sinh và giảm dần khi trưởng thành.
Mỡ nâu khi được kích hoạt sẽ đốt cháy mỡ trắng sinh ra năng lượng, vì thế mỡ nâu thường được gọi là chất béo tốt, hỗ trợ điều trị bệnh béo phì, giúp kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện nồng độ insulin, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2; có thể giúp loại bỏ chất béo trong máu và giảm nguy cơ tăng mỡ máu.
3. Mỡ màu be
Mỡ màu be là mỡ tốt trong cơ thể, trông giống như sự giao thoa giữa mỡ trắng và mỡ nâu.
Mỡ trắng có thể chuyển đổi thành mỡ màu be, Hormone catecholamine được giải phóng khi bạn căng thẳng hoặc lạnh, giúp bắt đầu quá trình chuyển đổi mỡ trắng thành mỡ màu be; đốt cháy chất béo và giải phóng nó dưới dạng nhiệt.
4. Mỡ trắng
Mỡ trắng là dạng chính của tế bào mỡ, lưu trữ năng lượng lớn nhất của cơ thể. Mỡ trắng tham gia vào quá trình sản xuất hormone Adiponectin rất cần thiết cho việc quản lý insulin để duy trì cân bằng lượng đường trong máu khỏe mạnh. Đồng thời mỡ trắng cũng tham gia vào quá trình sản xuất Leptin giúp kiểm soát cơn đói, hormone tăng trưởng và cortisol.
Mỡ trắng chiếm từ 93-97% tổng trọng lượng mỡ của cơ thể, có nhiều vai trò nhưng khi mỡ trắng quá nhiều thì lại không tốt cho cơ thể. Nhiều mỡ trắng có thể gây kháng Leptin, khi cơ thể phải đối mặt với mức độ Leptin cao liên tục, do lượng mỡ trắng dư thừa, cơ thể sẽ trở nên ít nhạy cảm hơn với các tác động của Leptin khiến cơ thể có cảm giác đói và sẽ tiêu thụ nhiều thức ăn hơn.
Mỡ trắng thường tập trung chính ở đùi, hông và bụng do đó cần phải có kế hoạch đốt cháy calo phù hợp để giảm mức mỡ trắng trong cơ thể.
5. Mỡ dưới da
Mỡ dưới da là lớp mỡ được tìm thấy ở ngay bên dưới da, chiếm khoảng 90% tỷ lệ mỡ toàn thân. Mỡ dưới da là sự kết hợp của mỡ trắng, mỡ nâu, mỡ màu be và một lượng chất béo dưới da nhất định, có vai trò tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên nếu có quá nhiều mỡ trắng có thể gây kháng insulin, làm tăng nguy cơ tăng cân và các vấn đề sức khỏe đi kèm. Mỡ dưới da thường tích tụ dưới dạng mỡ đùi ở nữ hoặc quanh bụng ở nam. Loại mỡ béo này hoạt động như một lớp đệm giữa cơ và mô da để bảo vệ và giúp cơ thể được thoải mái.
6. Mỡ nội tạng
Mỡ nội tạng thường là mỡ trắng được lưu trữ trong khoang bụng xung quanh một số cơ quan như gan, tụy, tim và ruột. Mức độ mỡ nội tạng cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe một cách nghiêm trọng. Bụng nhô và eo to là 2 dấu hiệu cho thấy mỡ nội tạng đã tích tụ quá nhiều trong cơ thể.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mỡ thừa
Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến mỡ thừa trong cơ thể đó là:
1. Ăn uống thiếu khoa học
Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng chính giúp nuôi cơ thể, tuy nhiên cũng là nguyên nhân dẫn đến tích tụ mỡ thừa nếu bạn ăn uống không đúng cách.
Nếu ăn nhiều đồ chiên rán, chất béo, đồ uống có gas thì nguy cơ tích tụ mỡ thừa sẽ cao hơn. Nên xây dựng chế độ ăn khoa học đầy đủ các nhóm dưỡng chất như chất xơ, protein, chất béo tốt, hạn chế tinh bột,… để hạn chế việc cơ thể tích tụ quá nhiều calo dư thừa dẫn đến thừa cân, béo phì.
2. Lười vận động
Sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao của cơ thể sẽ khiến lượng calo dư thừa tích tụ thành mỡ. Cơ thể càng ít vận động thì lượng mỡ thừa không được giải phóng sẽ tích tụ và chuyển hóa thành các loại mỡ có hại cho cơ thể.
3. Thói quen sinh hoạt
Một lối sống thiếu khoa học như ăn đêm, ngủ không đủ giấc, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều đồ uống có ga là nguyên nhân dẫn đến việc tích tụ mỡ.
4. Thay đổi nội tiết tố
Những nguyên nhân chính liên quan đến yếu tố nội tiết như dậy thì, có thai, tiền mãn kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên sẽ là một trong những nguyên nhân gây rối loạn hormone, dẫn đến việc cơ thể dễ bị tích tự mỡ thừa hơn.
Mỡ thừa có tác hại như thế nào?
Những tác hại của mỡ thừa thường dễ nhận thấy bằng mắt thường như:
– Ngoại hình thiếu cân đối, xấu xí.
– Tâm lý tự ti thiếu tự tin.
– Khó đi lại và vận động do xương khớp dễ bị thoái hóa.
– Gây bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư…
Mỡ có vai trò quan trọng với hoạt động sống của cơ thể, tuy nhiên nếu mỡ thừa quá nhiều sẽ gây nên những tác động không mong muốn về sức khỏe và ngoại hình. Cần có giải pháp tập luyện và sinh hoạt khoa học để hạn chế các loại mỡ trong cơ thể.