Hẹn ước ngàn năm_16

25/12/2023 Tác giả: Hà Phong 911

Chương 16: Chàng trai trẻ đó rất ngoan
Con đường từ nhà cô đến thôn Thanh Xuân phải đi qua một cánh đồng vắng. Ở quê, đây là ranh giới phân chia từng thôn trong một xã. Đi được mười phút thì qua cánh đồng vào thôn. Hoài Niệm dừng lại hỏi thăm bà cụ bán hàng tạp hóa nhỏ. Bà cụ vừa nghe thấy tên Anh Tuấn liền chậc lưỡi, vẻ mặt xót xa như đang nói về chính đứa cháu ruột thịt của mình: “Thằng bé đó hả! Tội lắm! Nó ngoan và học giỏi nhất thôn, lại còn đẹp trai, con nhà giàu. Chỉ tiếc là vắn số quá. Có phước mà không được hưởng. Nó mất vì tai nạn giao thông. Ngày đưa tang nó, cả làng ra nghĩa địa đưa tiễn, ai cũng không cầm được nước mắt.Tội nhất là mẹ nó. Suốt ngày tha thẩn vào ra quanh quẩn ngôi nhà của mình như người mất hồn. Hây da!”
Bà cụ bỏm bẻm nhai trầu rồi thở dài tiếc nuối. Đôi mắt nhăn nheo còn ngân ngấn như muốn khóc.
“Cũng phải thôi! Nhà có mỗi thằng con trai độc đinh, lại ngoan và giỏi giang như thế ai mà chả tiếc. Đến tôi còn xót nữa là.”

Hoài Niệm nghe xong câu chuyện, mắt cũng nhòe hết rồi. Cô cố gắng trấn tĩnh lại bản thân nói một tiếng cảm ơn bà cụ. Cô cũng không nghĩ là chỉ hỏi thăm nhà của một người thôi mà bà cụ lại xúc động kể cả một câu chuyện dài như vậy. Cái kiểu mà chạm vào điểm muốn nói là tâm tình cứ tuôn ào ào ra.
“Ôi trời! Tôi đang làm cái gì thế không biết!” Bà cụ vừa nói vừa lấy tay lau nước mắt.
“Nói thật, hễ nhắc đến thằng bé là tôi lại không cầm được nước mắt. Dù nó chẳng hề có họ hàng gì với tôi cả. Nó tốt như thế ai mà chả tiếc!”
Bà cụ lại lấy tay áo quệt quệt nước mắt ngang má. Người dân quê thật thà là vậy. Cảm xúc cũng thật thà chân chất tự nhiên chả kể người lạ.
“Cô cứ đi khoảng hai trăm mét nữa, đến cái cổng nhà màu xanh xanh. Có cây xoài trước ngõ là nhà cậu ấy. Bây giờ chắc còn mình mẹ cậu ấy ở nhà thôi. Ông bố thì đi công trình suốt. Thật là tội!”
Hoài Niệm nghe xong, cúi đầu cảm tạ rồi lên xe nhằm hướng chỉ dẫn của bà cụ.
Hoài Niệm dừng lại trước ngôi nhà có cánh cổng màu xanh như lời bà cụ mô tả. Cổng không đóng. Người dân quê thường có thói quen không đóng cổng vào ban ngày. Hoài Niệm nhìn vào trong sân. Một người phụ nữ đang quét lá. Sân nhà rất sạch sẽ, chỉ thấy lác đác vài ba chiếc lá khô rơi do gió thổi bay xuống nhưng người phụ nữ cứ chốc chốc lại phe phẩy chổi quét lại. Dường như bà chỉ làm việc như một quán tính chứ không hề chú tâm đến nó.
“Cháu chào bác ạ!”

Hoài Niệm lễ phép cúi đầu chào. Người phụ nữ đang khom lưng quét lá nghe thấy tiếng người liền ngừng lại, ngẩng mặt lên nhìn. Gương mặt bà thật đẹp nhưng xanh xao, mi mắt rũ xuống trầm buồn đến nao lòng.
“Cháu là…”
“Dạ! Cháu là bạn của anh Anh Tuấn ạ!”
“Bạn của Anh Tuấn?” Giọng bà chùng xuống, môi mím chặt, hình như đang cố gắng nén xuống một cái gì đó trong lòng rất nặng nề.
“Cháu… cháu… vào nhà đi!”
Người phụ nữ dựng chiếc chổi xương dừa vào một góc tường, mở vòi nước rửa tay rồi ra hiệu cho Hoài Niệm đi vào trong nhà.
“Cháu uống nước đi!”
“Dạ!”
Hoài Niệm run run đỡ chén nước từ tay người phụ nữ. Không gian trở nên tĩnh lặng đến căng thẳng. Tự dưng Hoài Niệm thấy không biết phải mở lời như thế nào. Mãi một lúc sau Hoài Niệm mới khẽ lên tiếng: “Bác… bác… Cháu có thể thắp hương cho anh ấy được không ạ?”
Người phụ nữ rơm rớm nước mắt nhìn Hoài Niệm giây lát rồi gật đầu đứng dậy nói: “Đi theo bác.”
Hoài Niệm chầm chậm đứng dậy. Cảm giác căn nhà rộng lớn nhưng cũng thật lạnh lẽo và trống trải. Căn nhà ba tầng nhưng chỉ có một mình người phụ nữ cô đơn thui thủi một mình. Nó giống hệt như ánh mắt của bà khi cô vừa gặp lúc nãy.
Người phụ nữ bước lên cầu thang, chân chợt run run, tay vịn vào thành cầu thang như muốn ngã. Hoài Niệm thấy vậy vội bước lên một bước đi cạnh, đỡ lấy một tay bà vào vai mình. Người phụ nữ mới ngoài bốn mươi thôi mà trông tiều tụy như sáu mươi vậy. Trong lòng Hoài Niệm chợt dâng lên thương cảm pha lẫn chút xót xa.
Đi qua tầng hai, đến tầng ba cũng là tầng trên cùng. Người phụ nữ dẫn Hoài Niệm đi vào một căn phòng nhỏ. Đây chính là nơi thờ tự. Chính giữa là bàn thờ gia tiên, bên trái là một bàn thờ nhỏ hơn. Trên bàn thờ là di ảnh một chàng trai trẻ mặc chiếc áo sơ mi trắng có mái tóc bồng bềnh, khuôn mặt tuấn tú. Đó chính là Anh Tuấn.
Hoài Niệm thoáng giật mình, lùi lại hai bước, hai tay run run nhưng cố tỏ ra bình tĩnh. Người phụ nữ lấy một nén nhang châm lửa rồi đưa cho Hoài Niệm. Hai tay Hoài Niệm vẫn không ngừng run rẩy, nước mắt sắp ứa ra rồi. Cô cố dằn lòng xuống, nhón chân cắm chân hương vào bát nhang thờ. Bất chợt, một luồng sáng cực mạnh xẹt qua người cô. Cảm giác như có luồng điện ở đâu vừa xuyên qua cơ thể mình. Hoài Niệm rùng mình một cái rồi bỗng nhiên òa khóc ôm chân người phụ nữ gọi “Mẹ!”
Người phụ nữ hoảng hốt mở to mắt nhìn Hoài Niệm. Một cảm giác thân thương quen thuộc hiện về trong cái ôm của cô gái trẻ. Đây không phải là Hoài Niệm.
“Cháu… cháu… có phải…” Người phụ nữ lắp bắp nói không nên lời.
“Mẹ! Là con đây! Con rất nhớ mẹ!”
“Anh Tuấn! Là con thật sao?”
Người phụ nữ cũng òa khóc cúi xuống ôm chặt lưng Hoài Niệm.
“Con trai! Con về với mẹ thật rồi. Hai năm qua không lúc nào là mẹ không nhớ thương con. Đêm nào mẹ cũng mong con, cũng chờ con. Mẹ không thể tin con mẹ đã chết. Mẹ không tin, không muốn tin. Đừng bỏ mẹ mà đi! Con ơi! Đừng bỏ mẹ lại một mình. Mẹ chỉ có một mình con là đứa con duy nhất của mẹ. Là cuộc đời của mẹ. Sao con lại có thể bỏ mẹ như thế được hả con ơi?”
Người phụ nữ vừa ôm chặt lấy đứa con trai của mình vừa gào khóc. Bao nhiêu nhớ thương, bao nhiêu tuyệt vọng suốt hai năm qua như được bung ra vỡ òa.
“Mẹ! Con bất hiếu không thể chăm sóc mẹ lại còn khiến mẹ đau lòng. Con xin lỗi mẹ!”
“Anh Tuấn” vùi đầu vào ngực mẹ khóc tu tu như một đứa trẻ.
“Không, con không bất hiếu! Con không hề bất hiếu. Con là đứa con ngoan nhất của mẹ. Hơn hai mươi năm qua, con lúc nào cũng khiến mẹ tự hào về con. Con trai của mẹ không có bất hiếu.”
Người phụ nữ khóc ngất, càng ôm chặt lấy con thì lòng càng thắt lại, quặn đau từng đợt. Đứa con trai bảo bối của bà đang nằm trong lòng bà nhưng lại là thân xác của một người khác. Nó đã về bằng xương bằng thịt như bà mong ước nhưng lại là xương thịt của người khác. Chỉ có linh hồn, hơi ấm và tình yêu của nó là mãi mãi không đổi.
“Lạnh! Lạnh! Mẹ ơi con lạnh quá mẹ ơi!”
Hoài Niệm chợt co ro ôm lấy vai mình run bần bật. Hai hàm răng va vào nhau kêu lộp bộp. Cả người căng tức lên như có cái gì đó muốn bức ra khỏi cơ thể. Hai tay cô co cứng lại rồi bất chợt có một nguồn năng lượng bốc lên từ đỉnh đầu thoát ra ngoài. Cả cơ thể cô bỗng nhẹ bẫng rồi trở nên mềm nhũn. Cuối cùng toàn bộ cơ thể hoàn toàn buông lỏng, hai tay xuôi theo vai, hơi thở khó nhọc.
“Bác… bác… ơi!”
Hoài Niệm kêu khẽ, lắp bắp, sức lực tiêu hao nhanh chóng như người vừa mới ốm dậy. Tất cả những sự việc vừa xảy ra, những điều miệng cô nói cô đều chứng kiến hết. Nhưng trí óc cô không thể điều khiển được hành động và lời nói của mình. Cô không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Nước mắt tuôn dài trên gương mặt xinh đẹp.
“Là… là… anh ấy phải không bác?”
Người phụ nữ gật đầu, mắt sưng húp. Hoài Niệm nhoài người ngồi dậy. Cảm giác vẫn còn tưng tức ở lồng ngực, rất khó thở.
Người phụ nữ nhìn Hoài Niệm lưu luyến không dứt. Hai tay nắm lấy tay cô khóc rấm rứt: “Con ơi, hai năm qua bác lúc nào cũng mong nó về với bác lấy một lần. Chỉ trong mơ thôi cũng được. Nhưng nó chưa bao giờ về gặp bác. Hôm nay duyên số thế nào nó lại mượn thân xác con về với bác. Bác không biết con là ai nhưng hôm nay con đến đây cứ như trời xui khiến vậy. Hãy giúp bác nói với nó, nó cần gì bác cũng làm cho nó. Bác đau lòng lắm! Có lẽ nó nằm một mình dưới đó lạnh lẽo lắm. Bác chỉ muốn đi theo nó để nó bớt cô quạnh.”
“Bác! Bác đừng nói thế bác ơi. Anh ấy sẽ không bao giờ muốn nhìn thấy bác đau khổ như thế này đâu. Thú thật với bác, cháu đã gặp anh ấy nhiều lần. Nhưng rất mơ hồ, cũng không biết là mơ hay thật.”
“Con ơi!” Người phụ nữ áp hai lòng bàn tay mình vào tay Hoài Niệm nói như van xin: “Hãy nói với nó giúp bác. Bác nhớ nó lắm! Hỏi nó có lạnh không? Có thiếu thốn gì không?”
Một chút hi vọng lóe lên trong đầu người mẹ tội nghiệp. Bao lâu rồi bà chỉ mong được một lần kết nối với đứa con trai xấu số để hỏi xem nó thế nào. Mong được nó tìm về trong giấc mơ hay hiện thân trong thân hoa xác bướm cũng được. Nhưng không hề, con trai bà cứ bặt vô âm tín biền biệt. Nó khiến bà mỏi mòn, chết dần chết mòn theo năm tháng. Phải rồi! Hai thế giới âm dương cách biệt làm sao có thể! Nhưng Hoài Niệm đã xuất hiện như một phép màu trong cuộc đời bà.
“Bác à! Thực ra cháu không quen anh ấy. Cháu cũng không biết tại sao anh ấy lại đi theo cháu. Chuyện anh ấy mất cháu cũng chỉ vừa mới biết. Người gọi điện thoại cho bác ba hôm trước chính là cháu.”
“Cháu không quen con trai bác?”
“Dạ.” Hoài Niệm khẽ gật đầu.
“Vậy tại sao cháu biết nó mà tìm đến đây?”
“Cháu gặp anh ấy khi lén đi theo mẹ thăm bố ở chợ Âm Phủ.”
“Chợ Âm Phủ?” Người phụ nữ chết lặng cúi xuống lau nước mắt. Ở quê ai cũng biết phiên chợ đặc biệt này. Tết năm nào bà cũng đến đây nhưng chưa một lần gặp mặt con trai mình. Thế mà cô gái này lại hữu duyên gặp được cậu. Không chỉ một lần mà còn rất nhiều lần. Chẳng nhẽ nó và cô gái này có mối quan hệ gì đặc biệt? Bà cũng không ngờ vong hồn Anh Tuấn vẫn còn lảng vảng quanh đây nhưng lại không hề về nhà. Số điện thoại của cậu, bà vẫn nạp pin hằng ngày chưa hề bỏ đi. Mỗi đồ vật con trai đã từng sử dụng bà vẫn giữ y nguyên, như một cách giữ lại chút dấu vết của đứa con trai duy nhất trên thế gian này. Thỉnh thoảng bà lại lấy điện thoại của mình gọi vào số của cậu để chỉ được nhìn thấy hai chữ “con trai” hiện lên màn hình điện thoại. Bà cố nghĩ rằng, con trai bà vẫn đang ở đây, chỉ là nó đã đi xa không ở cạnh bên bà mà thôi. Lâu lắm rồi điện thoại của Anh Tuấn cũng chẳng có ai gọi vào. Chẳng ai lại ngu ngốc đến mức gọi điện cho một người đã chết ngoài những cuộc gọi vô nghĩa của tổng đài. Nhưng cuộc gọi của Hoài Niệm hôm đó đã khiến mọi chuyện thay đổi. Đó là một cuộc gọi định mệnh thay đổi cuộc đời của tất cả mọi người sắp tới đây.

Bài viết liên quan