Nhà không có nóc chương 31 | Họa vận vào người
Hai nhân viên đã ra về, Mạnh Kiên mới nắm tay vợ:
“Chúng ta đi ăn nhà hàng nhé, rồi sau đó xem phim. Anh đã gọi điện cho bà ngoại để nhờ bà trông cháu rồi.”
“Ừ?” Hoài An ngạc nhiên mở to mắt nhìn chồng: “Kể thật đi! Anh làm gì có lỗi với em mà bây giờ lại thấy áy náy?”
“Em nghĩ anh dám làm gì có lỗi với em sao? Anh yêu em đấy.” Mạnh Kiên kéo tay vợ ngã vào lòng mình rồi hôn cái chụt lên má vợ.
“Trời ơi! Giữa ban ngày thế này, mọi người nhìn kìa!”
“Thôi kệ họ! Anh có vợ thì anh hôn vợ mình, chẳng sợ ai.”
Mạnh Kiên nhếch môi rồi kéo vợ hôn thêm một lần.
“Được rồi! được rồi! Hết nói chuyện với ông này nữa!” Hoài An đỏ ửng hai gò má nhìn xung quanh rồi nói nhẹ.
“Đi thôi, chứ đứng đây lâu nữa em chui xuống đất mất!”
Hoài An đẩy hông chồng giục đi. Cô không dám ở lại lâu, đây là nơi cô dạy học, lỡ có học sinh hay phụ huynh nào vô tình nhìn thấy thì ngượng chết.
Hoài An đi trước, Mạnh Kiên chạy theo sau rồi vượt lên mở cửa xe cho vợ.
“Chúng ta đến nhà hàng ‘Làng trong phố’ nhé!”
“Ồ! Giờ này mà đến đó chắc không còn chỗ đâu.”
“Đừng lo! Anh đã gọi điện đặt chỗ rồi.”
“Ồ?” Hoài An đi đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hôm nay chồng cô làm sao thế nhỉ? Lạ quá!
Mạnh Kiên một tay đặt lên vô lăng, một tay quàng qua vai vợ kéo vợ về phía mình.
“Em ngồi dịch lại gần anh chút nữa đi! Ít bận tâm được.”
Hoài An liếc xéo chồng một cái rồi thì cũng ngoan ngoãn nghiêng đầu mình qua vai chồng tựa vào.
Mạnh Kiên cũng nghiêng đầu qua đầu vợ hít hà.
“Em thơm thật đấy!”
“Ừm!”
Hoài An đánh nhẹ vào lưng chồng.
“Nói thật cho em biết đi, hôm nay anh có chuyện gì phải không?”
Hoài An khẽ nói. Cô biết chắc chắn có chuyện gì đó đã xảy ra với Kiên rồi.
“Em không thấy đã lâu rồi vợ chồng mình không có thời gian riêng tư bên nhau sao? Tự dưng anh thèm cái cảm giác ngày chúng ta mới yêu nhau quá!”
“Ừ nhỉ! Nếu anh không nhắc thì em cũng quên đấy. Đã bao lâu rồi nhỉ? Xem nào! Cũng gần hai năm chứ mấy! Ôi chao! Thế mà chúng mình đã có thêm một thành viên mới rồi. Thời gian trôi đi nhanh thật!”
Hoài An mơ màng nghĩ về quá khứ.
“Ồ thế mà em từng nghĩ mình sẽ không lấy chồng.”
“Sao không lấy chồng? Ngốc thật! Không ngờ em cũng có lúc ngốc đến vậy.”
“Ai nói không lấy chồng là ngốc chứ? Đó là một sự lựa chọn. Rất nhiều người họ không lập gia đình nhưng vẫn có một cuộc sống viên mãn đấy thôi. Tuỳ vào quan điểm của từng người.”
“Vậy nếu em không lấy chồng thì có hạnh phúc không?”
“Có chứ!” Hoài An tự tin khẳng định: “Dù sống một mình em cũng rất vui vẻ và thoải mái. Nhưng sẽ không hạnh phúc như bây giờ.”
Hoài An hấp háy mắt nhìn chồng trêu chọc.
Mạnh Kiên không nhìn vợ mà vẫn tập trung lái xe.
“Anh cũng như em, anh cũng từng nghĩ sẽ không kết hôn với người phụ nữ nào cả. Anh thích cuộc sống tự do. Nhưng từ khi gặp em thì ý nghĩ đó thay đổi. Anh thấy thật may mắn đã được gặp em.”
Hoài An ngả đầu lên vai chồng hạnh phúc.
Họ xuống xe bước vào quán quen thuộc từ thời còn yêu nhau. Hoài An thích sự mộc mạc và cách bài trí độc đáo của nó. Các cảnh miền quê bắc bộ những năm 90 được tái hiện cầu kỳ qua các vật dụng như cối xay gạo, giếng nước, ao sen, chum vại… Những vật dụng đồ ăn cũng được thiết kế bằng tre, sứ như ngày xưa vậy. Có lẽ chủ nhân của nó là một người rất hoài niệm.
Hai vợ chồng ngồi vào một góc khuất trong quán, đúng chỗ họ thường đến ngày xưa. Đã hơn một năm rồi họ không đặt chân vào đây. Nhưng khi Mạnh Kiên gọi điện đặt chỗ, họ lại gặp được cô nhân viên ngày xưa từng phục vụ họ. Cô nhớ ra ngay.
Quán “nhà quê” này đặt ở trung tâm thành phố nhưng không mang hơi thở của phố thị. Nó khiến những người thành phố tò mò và những người có nguồn gốc từ làng quê hoài niệm về những kí ức xưa. Có lẽ vì thế mà quán luôn đông đúc, đặc biệt vào giờ cao điểm như thế này. Nếu không gọi điện đặt chỗ trước và không phải là khách quen, thì sẽ không bao giờ có chỗ ở đây.
Những món ăn được nấu hoàn toàn trong nồi đất.
“Em muốn ăn gì?”
“Cơm nắm chấm muối vừng!”
Mạnh Kiên cười: “Em dễ nuôi thế này anh giàu to rồi.” sau đó anh gọi nhân viên ra để chọn món.
Ngày xưa khi còn nghèo, Hoài An cũng thường được mẹ cho ăn món cơm nắm chấm muối vừng vào buổi trưa để đỡ đói. Ngày đó làm sao có quà bánh hay sữa như bây giờ. Trẻ con được ăn cơm hai bữa là may lắm rồi. Còn người lớn thì toàn ăn khoai hoặc cơm độn sắn thôi. Mỗi bữa cơm, mẹ thường xới lúc mới nấu, cơm đang nóng hổi, mẹ rửa tay cho ướt để không dính cơm rồi xới một bát cơm to nắm thặt chặt để vào bát và trong chăn bông cho nóng. Đến trưa là có một món ăn vặt cho con gái vẫn chắc bụng mà lại ngon nữa.
Hoài An kể chuyện này cho Mạnh Kiên nghe. Mạnh Kiên cũng thử món cơm nắm. Anh thấy lạ và rất ngon. Có lẽ là vì sống ở thành phố và nước ngoài lâu, ăn những món ăn nhanh nhiều dầu mỡ nên khi thử những món quê mùa như thế này mới thấy là lạ và độc đáo.
Hoài An dùng dao cắt nắm cơm ra thành từng miếng nhỏ rồi đưa cho Mạnh Kiên. Anh cầm lấy một miếng chấm muối vừng rồi thưởng thức.
“Ngon nhỉ?”
Hoài An nhìn chồng ăn ngon cười hài lòng. Nhưng đột nhiên cô nhìn thấy phía xa kia, có một người đàn ông rất quen đang gắp thức ăn cho một người phụ nữ.
“Anh ơi! Kia có phải chú Quang không?”
Hoài An nói với chồng rồi chỉ về phía người đàn ông quen quen đó.
Mạnh Kiên nhìn theo hướng tay chỉ của vợ. Đúng là ông Quang, chú rể của anh. Nhưng người bên cạnh không phải là vợ ông, bà Nhung mà là một người phụ nữ khác. Một người có vẻ cũng đã ngoài 50, ăn mặc đơn giản giống người dân quê hơn là người thành phố. Hai người họ cử chỉ khá thân mật, không giống như những người bạn bình thường.
“Người phụ nữ kia là ai vậy nhỉ?” Mạnh Kiên tự hỏi.
“Cô ấy, em cảm thấy quen quen. Hình như là cô Lụa ở làng em.”
Hoài An căng mắt nhìn kỹ rồi khẳng định một lần nữa.
“Đúng vậy. Em chắc chắn là cô ấy.”
“Sao ông Quang lại quen cô Lụa nhỉ? Họ có mối quan hệ gì đó không?”
“Có thể là bạn bè cũ.”
“Ừ!”
Hai vợ chồng đang đoán về mối quan hệ của hai người kia thì bất ngờ có một đứa bé tầm mười lăm, mười sáu tuổi đi lại gần hai người.
Ông Quang vội kéo nó vào ghế rồi gắp thức ăn vào bát cho nó. Suốt buổi ăn, ông Quang luôn tỏ ra quan tâm đến thằng bé và người phụ nữ kia.
“Anh có thấy thằng bé có nét giống chú Quang và Gia Bảo không?” Hoài An hỏi chồng.
“Em nói anh mới nhớ. Đúng là giống thật.” Mạnh Kiên nhìn chăm chăm vào thằng bé.
“Trước đây em đã nghe về hoàn cảnh của cô Lụa. Cô ấy nhà nghèo, bố mẹ chỉ có mình cô ấy. Không hiểu vì sao cô ấy lại không lấy chồng. Mấy năm sau khi bố mẹ mất, cô ấy lên thị trấn làm giúp việc cho nhà giàu. Sau khi sinh con trai, cô ấy nghỉ việc luôn. Người làng đồn đại rằng bố thằng bé là người giàu lắm. Thế nên từ khi sinh con, cô ấy chỉ ở nhà trồng rau để bán thôi mà lại sửa sang được nhà cửa, mua sắm đầy đủ cả. Có khi nào…”
Hoài An nhìn chồng một cách ngập ngừng.
“Rất có thể là như em nói. Anh cũng không tiếp xúc với chú nhiều nên không hiểu được chú. Bây giờ phải làm thế nào?”
“Anh đừng nói với dì Nhung vội. Chuyện của người lớn hãy để họ tự giải quyết. Có lẽ đến lúc cần nói, chú Quang sẽ nói với vợ mình. Với lại, đây cũng chỉ mới là suy đoán của chúng ta chứ chưa chắc là sự thật. Mình tránh chú đi! Đừng nhìn họ nữa lỡ họ nhìn thấy mình thì sẽ khó xử.”
Hoài An bàn với chồng. Mạnh Kiên nghĩ cũng phải nên ngồi xoay mặt nghiêng ra phía ngoài, tránh để ông Quang nhìn thấy.
Tuyết vứt cái túi xách xuống bàn rồi ôm mặt khóc tu tu.
Bà Nhung thấy con gái tự dưng về la khóc om tỏi lên thì hỏi:
“Lại chuyện gì nữa đây?”
“Hức hức! Con không chịu được nữa rồi. Con không muốn ở cái nhà đó nữa. Hu hu!”
“Mày lần nào chả vậy. Đòi sống đòi chết rồi có bỏ được đâu.” Bà Nhung thản nhiên nói. Bà quá hiểu tính con gái mình. Cứ hơi cái giận dỗi nhà chồng hay chồng lại về ăn vạ mẹ, khóc lóc đủ thứ xong đâu lại vào đấy.
“Không! Lần này khác. Anh ta… Anh ta…” Tuyết nói đến đây thì không kiềm được được khóc nấc lên.
“Nó làm sao hả?”
“Anh ta… hu hu… anh ta ngoại tình với người yêu cũ. Chính mắt con nhìn thấy anh ta dẫn người yêu cũ đi ăn, lại còn có cả con cô ta nữa chứ. Con tưởng là con rơi của anh ta nên đã làm ầm lên. Hoá ra là con của chồng cô ấy. Hai người đã ly hôn. Anh ta cũng tuyên bố với con luôn sẽ ly dị con để đến với người đàn bà bỏ chồng ấy.”
“Cái gì? Nó dám ngoại tình với đứa khác còn đòi ly dị mày hả? Mẹ cha cái thứ mất dạy. Nó thân là giáo viên mà dám làm cái việc đồi bại này! Mày để đấy cho mẹ. Để mẹ cho người đến tố cáo với nhà trường bắt nó phải thôi việc thì thôi.”
Kể lại cho mẹ nghe xong sự việc, Tuyết lại càng uất nghẹn mà khóc nấc lên.
“Cái thứ bạc bẽo đó mày còn tiếc lắm hay sao mà khóc hả?” Bà Nhung tức tối mắng con gái.
“Nhưng con… hu hu… con còn yêu anh ta.”
“Mày ngu cũng ngu nó vừa vừa thôi. Nó có yêu mày đâu mà mày phải luỵ nó hả? Mày không thấy nó ngoại tình rồi còn đòi ly dị mày đấy hả? Được lắm! Cóc ghẻ ăn thịt thiên nga còn không biết hưởng!” Bà Nhung tức tím mặt nói với con gái.
Tuyết vẫn ôm mặt khóc nấy khóc để, không nghe mẹ khuyên can.
“Được rồi! Không khóc nữa! Chuyện này mày phải chủ động làm đơn khởi kiện nó trước cho mẹ! Không được để nó bỏ mình, người ta cười vào mặt cho. Mày không làm được thì để mẹ lo. Giờ cứ ở lại đây, không về nhà đó nữa. Để tao coi họ làm gì.”
“Mẹ! Mẹ ơi! Sao cái số con lại khổ thế này! Hu hu!” Tuyết ôm lấy mẹ khóc than tiếp.
“Không việc gì phải đau khổ vì cái thể loại chồng đấy cả. Không lấy người này thì lấy người khác. Ối người ngoài kia còn xếp hàng dài làm dâu rể nhà này đấy. Cái thứ đó báu gì mà tiếc.”
Bà Nhung vừa ôm con gái vừa an ủi.