Sát chồng chương 11 | Chào đón con yêu
“Cô Dịu! Cô sao vậy?” Cô Vui cố gắng mở khóa cửa, rỉ sét làm ổ khóa kêu ken két vướng víu.
“Cháu… cháu… vỡ…ối… rồi!” Dịu thều thào, gương mặt tái đi, một tay xách giỏ đựng đồ sơ sinh, tay kia ôm bụng, lời nói mập máy.
“Trời ơi! Sao lại vỡ ối giữa đêm thế này?” Cô Vui cúi xuống, ôm tay Dịu lên vai, kêu lớn: “Ông Ngà ơi, mau ra đây giúp tôi!”
Tiếng nói ồn ào của cô Vui khiến chú Ngà chạy ra ngoài ngay lập tức. Chưa hiểu chuyện gì, vợ đã hối: “Nhanh, vào lấy xe máy ra đây chở cô Dịu đến trạm xá!”
“Hả?” Chú Ngà ngơ ngác.
“Còn đứng đó làm gì? Cô ấy sắp đẻ rồi! Nhanh lên!” Cô Vui mắng.
Chú Ngà dụi mắt vàng chạy vào nhà bếp. Ngay sau đó, anh ta kéo chiếc xe máy Dream đỏ cũ ra đến nơi Dịu đang đứng.
“Để tôi dựa xe! Ông bế cô ấy lên!” Cô Vui hối. Chú Ngà lóng ngóng làm theo lời vợ. Cô Vui đứng dậy dựa xe cho chồng bế Dịu từ từ đặt lên xe.
“Đặt cô ấy ngồi, hai chân qua một bên. Rồi, ông dựa vào xe để tôi lên sau giúp cô ấy. Dựa cho chắc đấy nhé!”
Cô Vui lần ra sau xe, tay vẫn đỡ Dịu. Dịu buông tay khỏi chú Ngà rồi bám lấy vai cô Vui.
“Xong rồi! Đi từ từ thôi!” Cô Vui ngồi phía sau, đỡ Dịu nằm hơi ngửa. Mặc dù nhỏ bé, nhưng Cô Vui nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Chú Ngà cứng đầu theo đúng hướng dẫn của vợ mình.
Mười phút sau, họ đến trạm xá. Lúc này trời vẫn chưa sáng. Chú Ngà chạy thẳng vào trong sân trạm xá. Khu trạm khá nhỏ. Cô Vui gõ cửa phòng trực gọi lớn, có một nhân viên y tá đang thức trực một tay che miệng ngáp chạy ra hỏi.
“Cô ấy vỡ ối rồi!” Cô Vui nhanh chóng trình bày.
“Nhanh! Đưa cô ấy vào đây!” Cô y tá phụ cô Vui đỡ Dịu xuống xe dìu vào phòng.
“Đưa cô ấy nằm lên giường đi!” Cô y tá đeo găng tay và bắt đầu thăm khám.
“Mở hơn một phân rồi! Có cơn co tử cung cố chờ tí nữa sẽ sinh thường được!”
Dịu gật đầu chờ đợi. Dù đau tê tái người nhưng khi nghe cô y tá nói sẽ sinh thường được, Dịu mừng lắm. Những cơn co tử cung lại tăng cường. Dịu mím chặt môi, hai tay bấu chặt lấy thành ghế chịu đựng cơn đau. Cứ năm mười phút lại co một lần.
“Cố chịu chút nữa đi cô!” Cô Vui đứng bên cạnh nắm tay Dịu an ủi.
“Cháu chịu được!” Dịu thều thào nhìn cô Vui.
“Vậy cô ở đây, để tôi ra kêu ông chồng tôi đi mua cái gì đó cho cô ăn, lấy sức để mà rặn đẻ nữa!”
Nói rồi Cô Vui vội chạy ra ngoài tìm chồng, chạy ù ra chợ cháo với ít bánh, sữa cho Dịu.
Cô y tá ăn sáng xong thì thủng thỉnh đi vào phòng kêu Dịu nằm lên bàn đẻ để khám độ mở tử cung.
“Vẫn có hơn phân!” Cô y tá lo lắng nói với Dịu.
“Hơn hai tiếng đồng hồ mà mở có hơn một phân. Chắc phải chuyển cô lên bệnh viện huyện mổ lấy thai thôi.”
“Không! Cô cứ để tôi đẻ thường đi! Tôi chịu được!”
“Vấn đề là cô lại vỡ ối như vậy, tôi sợ cạn ối, có thể nguy hiểm cho đứa bé.”
Nước mắt Dịu òa ra. Cô không muốn phải chọn phương pháp đẻ mổ. Suốt những ngày cuối thai kỳ, Dịu nỗ lực tập những bài tập đi bộ và yoga tốt cho bà bầu để đảm bảo đầu thai nhi quay xuống. Dịu đã đọc rất nhiều sách vở về cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ từ trong bụng mẹ. Cô đã tìm hiểu trên các diễn đàn, học hỏi từ kinh nghiệm của những bà mẹ đi trước để có một cuộc đẻ thành công. Mong muốn của cô là có một quá trình sinh thường để đảm bảo sức khỏe tốt cho con, tránh xa tác động của các loại thuốc kháng sinh được truyền vào cơ thể mẹ qua sữa mẹ…
Thấy Dịu khóc, cô y tá hơi ái ngại nói: “Được rồi, để tôi gọi bác sĩ của trạm. Chị ấy ở gần đây. Chờ chị ấy khám xong, sẽ quyết định liệu cô có thể đẻ thường không.”
Nói xong, cô y tá để Dịu lại trong phòng một mình rồi ra ngoài. Không lâu sau đó, một phụ nữ khoảng năm mươi tuổi, gương mặt phúc hậu, đi cùng cô y tá vào phòng. Đó là bác sĩ mà cô y tá nói đến.
Sau khi thăm khám cho Dịu, bác sĩ hỏi: “Xương chậu của em khá rộng. Em có vấn đề về huyết áp, tim mạch hay bất thường gì trong thai kỳ không?”
“Dạ không ạ! Vậy em có thể đẻ thường được không bác sĩ?”
“Nếu em có đủ sức để chịu đựng và rặn, thì có thể đẻ thường được.”
“Dạ có ạ! Em sẽ cố gắng ạ!”
“Được rồi! Em nằm đây, chịu đau mà đừng la hét, hãy giữ lấy sức. Gọi người nhà mang thêm đồ ăn, không nên giữ đói đấy.”
“Dạ! Em cảm ơn bác sĩ!” Dịu vừa mừng vừa khóc.
Bác sĩ dặn dò Dịu một số điều rồi cùng y tá rời phòng. Họ đi được một lúc thì một cơn đau dữ dội tấn công. Dịu không thể chịu đựng, ngồi dậy ôm chân, quằn quại. Mồ hôi rơi từ trán dù nhiệt độ chỉ hơn mười độ.
Cơn đau ngày càng tăng và trở nên khốc liệt hơn. Dịu tái mặt nhưng vẫn cố chịu đựng. Cô điều chỉnh hơi thở, hít sâu rồi thở ra để lấy sức. Khi đau quá, cô lại bám lấy chân ghế hoặc bất cứ thứ gì để làm điểm tựa. Cơn đau ngày càng trầm trọng. Nó đau như từng đoạn xương sườn gãy, như bị cắt da cắn thịt. Dịu cắn chặt môi, răng nghiến, không dám la hét. Cô liên tục di chuyển tay lên thành ghế, lục tìm chiếc khăn sữa cho con để đặt vào miệng và cắn. Qua cơn đau, cô ngồi thở đều, chuẩn bị cho cơn co tiếp theo.
11 giờ trưa, bác sĩ bước vào và kêu Dịu lên nằm lên bàn kiểm tra một lần nữa. “Sắp sinh rồi! Cố lên!”
Cô y tá kêu Dịu lên bàn đẻ. Dịu lần mép ghế với sự giúp đỡ của nhân viên y tá, cô trèo lên bàn đẻ và bám chặt hai mép bàn. Theo hướng dẫn của y tá, cô bắt đầu lấy hơi để rặn. Cơn đau trỗi dậy. Nó đau đến mức tưởng như không thể thở được nữa.
“Thấy đầu con rồi! Cố lên rặn không bé ngạt thở!” Tiếng bác sĩ vang lên. Dịu cắn răng và lấy hơi rặn tiếp. Bác sĩ thực hiện cắt tử cung. Dịu nghe tiếng sột soạt nhưng cơn đau đẻ khiến thịt da tê dại, không còn cảm nhận được sự đau đớn từ phía dưới. Bác sĩ kêu cô tiếp tục rặn. Sau bốn lần rặn dài nữa, cảm giác nặng nề bỗng trôi qua.
“Oe! Oe! Oe!”
Tiếng khóc của đứa bé vang lên, làm tan chảy bầu không khí nặng trịch. Y tá ôm bé và nói: “Ba cân mốt!”
Dịu rơi nước mắt khi y tá đặt bé lên ngực cô. Mọi đau đớn dường như biến mất, nhường chỗ cho niềm hạnh phúc lần đầu tiên được nhìn thấy đứa con nhỏ của mình. Cuối cùng, cô được nhìn thấy con. Cô hạnh phúc vuốt nhẹ tấm lưng trần nhăn nheo của bé. Mặt cô xanh tái, tóc tai bám chặt vào cả hai bên thái dương, đôi môi khô khốc rơi nụ cười, nước mắt và mồ hôi rơi lẫn nhau, trộn lẫn thành hương vị mặn mòi.
“Cô Dịu ơi, để tôi giặt cho. Cô mới sinh, không nên chạm vào nước lạnh lâu đấy!” Cô Vui xách miếng thịt lạc về và thấy Dịu đang giặt quần áo ngoài sân giếng, cô vội ngăn lại.
“Không sao ạ! Cháu đeo bao tay rồi! Cô Vui làm gì mà cháu ngại!” Dịu quay lại và nhìn cô Vui ái ngại.
“Ồ, không ngại gì cả! Hàng xóm giúp đỡ nhau lúc này chứ lúc nào. Các công việc nhỏ như vậy tôi đã làm suốt. Trước đây, tôi một mình nuôi dưỡng 5 cô em gái đấy. Thôi, cô đưa đây, tôi giặt nhanh cho!” Cô Vui bỏ chiếc lá nhựa mới mua từ chợ sang một bên, kéo Dịu đứng dậy và bắt đầu giặt đống quần áo mà Dịu vừa giặt dở mà không cần bao tay.
Cô Vui khá nhanh nhẹn, giặt loáng lẻo và sau đó vắt sạch sẽ, treo lên giàn phơi. Dịu nhìn cô Vui và tự dưng nước mắt trào ra. Cô nhớ đến mẹ mình. Bi kịch của một người con gái, đơn thân sinh con ở một nơi xa lạ, không có bất kỳ người thân nào, là một cảm xúc mà chỉ những người đã trải qua mới hiểu. Mọi công việc, từ việc rửa chén, vệ sinh cho bé, đến việc chăm sóc cho bản thân… cô tự làm hết. Người ta thường nói phụ nữ sau sinh nên kiêng cử trong vòng ba tháng, nếu không, họ có thể bị cảm lạnh, tay chân run rẩy, đau nhức xương khớp… đủ mọi vấn đề sức khỏe. Nhưng Dịu, sau khi mới sinh đã phải tự mình thực hiện tất cả các công việc. May mắn có cô Vui đứng bên giúp giặt tã trong mấy ngày đầu. Nhưng dù sao, cô vẫn không thể nhờ cô làm những công việc tế nhị khác.
“Mẹ con cháu cảm ơn cô quá! Nếu không có cô thì…” Dịu nhìn cô Vui đang dọn lại đống chén đĩa cho gọn.
“Ơn nào cũng là chuyện thường. Ai mà không gặp khó khăn cần sự giúp đỡ? Có thể sau này tôi lại phải nhờ vả cô thì sao?” Cô Vui cười hiền: “Thôi, tôi về nấu cơm đây, không chồng ấy lại đói đấy!”
“Vâng, cháu cảm ơn cô!”
Dịu cầm khay thịt mà cô Vui mua giúp rồi đi rửa sạch và cắt thành từng miếng nhỏ để bỏ vào nồi. Cô đi ra vườn đào một ít củ nghệ, đập nhuyễn và ướp với thịt. Trời mở nắng từ sáng, mặc dù lúc sáng còn hơi lạnh, nhưng trưa đã ấm áp hơn một chút. Dịu cởi bớt chiếc áo phao và treo lên dây phơi. Cô quét dọn nhà một lúc thì thấy ngực tưng tức. Sữa chảy thấm ra áo ngoài. Lại phải thay áo một lần nữa.
Một ngày, Dịu phải thay nhiều lần áo vì sữa chảy ra ngoài như vậy. Cô đặt khăn sữa chèn vào, nhưng cũng không giải quyết được vấn đề. Mỗi khi cữ, nó lại phun ra làm ướt áo. Dịu có nhiều sữa, nên bé không cần phải bú sữa ngoài. Dù vậy, đây vẫn là một khó khăn lớn.
Dịu chạy vào phòng thay đồ. Thằng bé cảm nhận được hơi của mẹ nó, liền cựa quậy, miệng chóp chép đòi vú mẹ. Dịu thay đồ ngồi xuống giường, lần tay sau gáy nó bế lên và áp vào ngực. Nó ngó nguậy tìm vú mẹ, ngậm được đầu ti liền nhắm mắt ngủ tiếp. Dịu nhận ra thằng bé ngoan, ít quấy nên cô đỡ phần nào. Nhưng đêm nó thức dậy ba bốn lần đòi bú, làm mẹ phải thức lây. Trẻ bú sữa mẹ nhanh hơn sữa công thức, nên dậy nhiều lần. Dịu thích nhất là lúc nhìn con ngủ, trông giống một thiên thần nhỏ với đôi mắt đen lay láy của Tâm và đôi môi hồng hồng giống Dịu. Con là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô.
Được một lúc như đã no, con rời vú mẹ, mắt vẫn nhắm nghiền. Dịu bế vác con lên vai, nhẹ nhàng vỗ lưng để thằng bé ợ hơi, sau đó đặt con xuống nệm. Dịu vuốt mái tóc con, nhưng có cái gì nhoi nhói trong lòng. Cô nhớ Tâm, nước mắt trào ra ướt nhòe. Cô ngắm con một hồi lâu như vậy, lòng nhẹ bẫng.
Chiều tối, cả nhà vừa ăn cơm xong, Dịu gọi điện về. Cô nói chuyện với Thảo về công việc mới và hỏi thăm bố mẹ. Bà Hiền nghe tiếng con gọi, vội vàng lấy điện thoại và nói chuyện với con. Đang nói, bà Hiền bỗng dưng im lặng. Dịu buông điện thoại ra xa, giấu tiếng nấc khẽ để mẹ không nghe thấy.
“Sao vậy bà?” Ông Hiền thấy vợ chững lại, lo lắng hỏi. “Đưa đây cho tôi xem nào!” Ông Hiền giành điện thoại từ tay vợ và bắt đầu ngại ngùng.
“À lô! Con đây ạ! Bố mẹ ở nhà có khỏe không ạ? Lâu lắm con không về thăm bố mẹ được!” Dịu nói, tiếng vẫn còn nghẹn ngào.
“Đừng lo cho bố mẹ ở nhà, con ạ! Có em Thảo rồi. Bố mẹ vẫn khỏe. Con cứ yên tâm mà công tác. Lúc nào rảnh thì về thăm nhà cũng được. Đừng có lo con ạ!”
“Vâng! Vậy bố mẹ nhớ giữ sức khỏe giùm con! Con có việc, con tắt máy đây ạ!”
“Đưa đây cho tôi, tôi nói với nó mấy câu nữa!” Bà Hiền nóng ruột đòi lại điện thoại từ tay chồng.
“Nó… Nó có việc nên tắt máy rồi!” Ông Hiền nghẹn ngào. Tự dưng ông lại có cảm giác nghèn nghẹn thế này.
“Sao nó nói ít vậy? Dạo này nó làm sao ấy! Ít gọi điện mà mỗi lần gọi nói điện vài câu rồi tắt máy. Cứ như thể đang vội vội vàng vàng chuyện gì ấy.”
“Thì nó chả nói rồi đấy thôi. Trên đấy nhiều việc.”
“Tôi lại nghĩ khác. Có khi nào nó có chuyện gì giấu chúng ta không?”
“Bà nói cái gì vậy?”
“Không! Không được! Nhất định mình phải lên đó thăm nó một chuyến coi tình hình nó sống thế nào chứ thế này tôi lo lắm!”
Ông Hiền nghe vợ nói xong cũng trầm ngâm một lúc. Gần đây con gái ông có vẻ khác lạ thật. Chính ông cũng lo lắm, nhưng mỗi khi vợ than thở, ông lại gạt đi, an ủi vợ. Nhưng lần này thì ông lo thật. Có điều gì đó cứ vướng mắc trong lòng. Dịu nói bận công chuyện. Nhưng cũng non một năm rồi chưa về thăm nhà. Gọi điện cũng ít hơn. Bận gì mà bận nhiều thế? Ngày xưa mới vào nghề, cô cũng không bận đến mức như vậy.
“Được rồi! Mấy hôm nữa tôi sắp xếp công việc rồi lên thăm con một chuyến bà ạ.”
“Phải đấy! Ông phải lên đấy một chuyến cho an tâm. Chứ cứ ở nhà đoán già đoán non thế này tôi sốt ruột lắm! Con bé đó cứ chuyện gì cũng chịu đựng một mình, cấm bao giờ nói ra cho người ta biết. Suốt đời cứ phải chịu thiệt thòi.”
Ông Hiền không nói gì. Ông vặn nhỏ tiếng tivi. Bà Hiền nhìn vào góc phòng Dịu, thở dài và nhớ con gái. Từ ngày cô đi, bà vào phòng cô dọn dẹp. Dù đồ đạc cũng chỉ có vậy, chẳng có miếng bụi nào. Góc bàn làm việc vẫn có lọ tường vi đỏ thắm, bà vừa cắt ngoài vườn cắm vào. Loài hoa mà Dịu thích nhất. Thỉnh thoảng Thảo đi làm về muộn, bà dọn cơm lại xếp thừa một cái bát, một đôi đũa cho Dịu. Ông Hiền kêu bà lẫn mất rồi. Bà cũng không biết nữa. Nhưng dạo này, đúng là bà rất nhớ con gái. Nhớ quay quắt xen lẫn những thấp thỏm không yên.