Mặt trời sau giông bão chương 14 | Lời xin lỗi muộn màng

13/03/2024 Tác giả: Hà Phong 310

Nhi đứng sững sờ, cảm giác cơ thể đang bị đóng băng. Cô biết ngày này sẽ đến, thậm chí ông Tráng cũng biết, nhưng khi nó xảy ra, tâm trạng của ai cũng không thể tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Từ khi biết Tuấn phản bội, không chỉ phản bội công ty mà còn phản bội cô, với Nhi, Tuấn chỉ là một nỗi chán ghét. Nhưng khi nghe tin anh ta bị bắt, Nhi cảm nhận một điều gì đó mất mát. Có lẽ đó là sự nuối tiếc. Một người như Tuấn đáng lẽ ra phải có một cuộc sống khác, một tương lai khác, không phải như thế này. Nhưng bị bắt, liệu có phải là công an bắt hay lũ côn đồ kia đã đưa đi? Vì ngày mai sẽ đến thời hạn một tuần, theo những gì Nhi và ông Tráng nghe được, căn nhà này cũng sẽ mất nếu anh ta không xoay được tiền. Mà khả năng trả cả gốc lẫn lãi của Tuấn dường như là không thể. Mấy đêm nay, anh ta cứ trằn trọc không thôi.

Nhi nhìn ông Tráng:

Là… là… công an bắt sao bố?
Ông Tráng gật đầu rồi ngồi xuống ghế:

Ừ, họ bắt Thư nên bắt cả Tuấn. Cũng đúng thôi, nó là đồng phạm mà. Dù có tình tiết giảm nhẹ nhưng nó cũng là người cùng kế toán biển thủ công quỹ. Thôi, thà công an bắt còn hơn để lũ kia đánh. Chắc ngày mai chúng đến xiết nợ, con nói người dọn dẹp lại căn nhà cấp bốn phía sau để đưa mẹ xuống đó. Tài nói muốn đưa mẹ lên nhà nó cho rộng rãi thoáng mát, nhưng chắc chắn bà ấy thích ở đây hơn. Bà ấy thích không khí trong lành ở vùng quê hơn.
Nhi “dạ” một tiếng rồi đứng dậy để đi nhắc người giúp việc dọn dẹp. Thế nhưng, cô vừa đứng dậy thì nghe một tiếng “ợ” từ trong phòng của mẹ chồng. Cả cô và ông Tráng đang ở phòng khách, ngay sát căn phòng đó, nãy giờ cửa đang mở. Cùng với âm thanh ấy là tiếng la thất thanh của vú Bảy:

Bà ơi! Bà ơi!
Ông Tráng và Nhi hốt hoảng lao vào. Bà Tâm mặt đỏ bừng, miệng ú ớ muốn nói mà không thành lời, ánh mắt bà tràn ngập sự hoảng sợ, lo lắng khi nhìn ông Tráng, đầu cứ lắc lư, nước mắt giàn giụa chảy ra. Nhi ngồi thụp xuống cầm lấy bàn tay mẹ chồng:

Mẹ ơi, mẹ sao thế này? Mẹ đừng làm con sợ mẹ nhé.
Bà Tâm đưa ánh mắt sang cô, đôi mắt tràn ngập sự hốt hoảng và lo sợ. Nhi vội giục ông Tráng:

Bố ơi… gọi… gọi cấp… cấp cứu!
Ông Tráng luýnh quýnh rút điện thoại, nhưng bà Tâm ra sức lắc đầu nguầy nguậy, nấc lên mấy tiếng rồi đôi mắt bà nhắm nghiền lại, cả cơ thể bất động. Khi cánh tay bà rời khỏi tay Nhi, buông thõng xuống, cô không tin vào những gì mình đang nhìn thấy. Nhi gào lên:

Không mẹ ơi, mẹ đã hứa sẽ cố gắng để chờ con đưa mẹ đi chạy chữa mà, mẹ tỉnh dậy đi mẹ…
Ông Tráng quỳ thụp xuống, hai dòng nước mắt chảy xuống gò má:

Tâm ơi, anh làm khổ em rồi, Tâm ơi…
Ông ôm lấy bàn tay bất động của bà, lắc lư người bà đang mất dần hơi ấm, hơi lạnh đang xâm chiếm. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng đã không thể cứu vãn được hạnh phúc, không thể đưa người vợ thân yêu của ông trở lại, người đã vì ông mà bỏ qua tất cả những sở thích, bỏ qua đam mê, người đã hi sinh cho ông có được sự nghiệp… Giờ đây, sự cách biệt giữa âm và dương thật rồi…

Vú Bảy đứng nhìn mọi chuyện diễn ra vội vã, gương mặt của bà thất thần. Ban nãy, khi Nhi đi ra ngoài, vú vào trong để trông chờ bà chủ, chuẩn bị bữa chiều. Cháo đã nấu sẵn, chỉ còn việc cho bà chủ ăn thôi. Trong những ngày ở bệnh viện, vú còn xay nhỏ cho bà chủ, nhưng mấy hôm nay thì không cần nữa. Vú Bảy chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó bà chủ sẽ ra đi. Vú đã ở trong ngôi nhà này từ khi ông bà cưới nhau, hồi đó vú còn trẻ hơn hai mươi tuổi, vì mất tình yêu đầu đời nên suy nghĩ đến việc tự tử. Bà chủ đi chợ về qua cầu đã ngăn cản vú, khuyên bảo rồi đưa vú về nhà. Vì vú Bảy mồ côi, tình yêu đầu đời hai năm bị phản bội, lừa gạt nên muốn tự tử. Nhưng bà Tâm đã giúp vú có một cuộc sống mới. Nhiều lần bà mai mối cho vú Bảy nhưng trái tim của vú không muốn yêu thêm lần nữa, chỉ muốn ở lại chăm sóc bà. Khi bà lấy ông Tráng, vú đi theo vợ chồng bà, về ở cùng bà. Ba mươi năm trôi qua rồi, giờ đây bà không còn nữa, vú phải làm sao? Với vú Bảy, bà Tâm như một người cứu thế, đã tạo ra một cuộc sống mới cho vú. Lúc trước vú đang kể chuyện cho bà nghe, bà vẫn ổn. Chỉ khi tin cậu Tuấn bị bắt, dù ông Tráng không nói to nhưng vú nghe được, khiến bà hoảng loạn và rời bỏ. Tội nghiệp, sống một cuộc sống phúc hậu nhưng lại không gặp hai đứa con trai mặc dù đã chịu nhiều đau đớn khi sinh.

Sau khoảnh khắc thất thần, vú Bảy rút điện thoại gọi cho cậu cả:

Cậu Tài… cậu Tài ơi, bà đi rồi… cậu về đi cậu…
Ở phía bên kia, Tài trầm lặng trong giây lát rồi giọng hoảng hốt:

Vú, sao lại như vậy?
Nước mắt giàn giụa, vú Bảy nói:

Cậu về đi… đi cẩn thận nhé cậu…
Chưa đầy hai mươi phút sau, tiếng phanh xe nhanh vội từ bên ngoài cổng vang lên. Vợ chồng Tài lao vào nhà, thấy ông Tráng, Nhi và hai người giúp việc đang ôm lấy giường và khóc. Tài quỳ xuống:

Con trai bất hiếu… con về muộn mất rồi…
Lúc này, ông Tráng đã bình tĩnh hơn. Ông đứng dậy nói:

Chuẩn bị làm lễ tang cho mẹ, làm thật chu đáo nhé!
Tài nhìn quanh rồi hỏi:

Nhi, Tuấn đâu? Lúc chiều anh có ghé qua công ty, vẫn thấy nó mà, sau đó anh đi liên hệ hợp đồng nên không quay lại công ty nữa.
Nhưng Nhi chưa kịp trả lời thì ông Tráng thay vào đó:

Nó bị Công an bắt rồi. Lúc nãy bố về đã nói với Nhi mà quên mất mẹ con chưa ngủ. Có lẽ vì nghe được những điều đó nên bà mới đi nhanh như vậy. Đó là số phận, không tránh khỏi được.
Mọi thủ tục được tiến hành nhanh chóng, Nhi hỏi ông Tráng:

Anh Tuấn như thế… liệu Công an có cho anh ấy về thăm mẹ không ạ?
Ông Tráng suy nghĩ rồi trả lời:

Khó đấy, vì nó mới bị bắt, đang trong quá trình điều tra. Để bố nhờ xem sao!
Ông đi xuống gian nhà cấp bốn gọi điện thoại, ở nhà này, tiếng kèn trống, tiếng khóc khiến ông không thể chịu nổi. Sau khi trao đổi, ông gọi Nhi và Tài lại:

Cơ quan điều tra báo rằng Thư là một kẻ nguy hiểm, Tuấn mới bị bắt, họ không cho về đâu. Nhưng pháp luật bên lý còn có tình, lại chỗ quen biết nên ngày mai họ sẽ cho Tuấn về để thắp hương và đưa mẹ đi một đoạn đường, nhưng dưới sự dẫn giải của cảnh sát. Họ sẽ mặc trang phục thường phục để không ai nhận biết.

Tài và Nhi đồng tình gật đầu, hiểu rằng đó là cách tốt nhất trong tình huống này. Cảm giác tang thương lan tỏa khắp căn nhà. Mọi sự kiện diễn ra quá nhanh, khiến ai cũng bất ngờ, thậm chí cả hàng xóm và người thân cũng ngạc nhiên không kém gia đình.

Ngày hôm sau…

Mới bắt đầu rạng sáng, ngôi nhà đã đón đủ người đến tiễn đưa bà Tâm vào chặng đường cuối cùng. Hàng xóm, bạn bè và họ hàng đều bàng hoàng và tiếc thương. Mọi người thắc mắc vì không thấy Tuấn, nhưng gia đình ông Tráng đều nói rằng anh ta đang lo công việc cho mẹ nên không ai đặt câu hỏi thêm. Chỉ vài tuần trước, mọi người còn thấy Tuấn quỳ trước cổng, nhưng họ không nghĩ rằng hành động của anh đã góp phần khiến bà Tâm ra đi nhanh hơn.

Khoảng bảy giờ sáng, khoảng ba mươi phút trước giờ đưa tiễn, mọi người thấy Tuấn đi về cùng một nhóm người khác. Gia đình ông Tráng biết đó là những cảnh sát dẫn giải Tuấn, nhưng vì họ mặc trang phục thường phục nên hàng xóm và người thân không nhận ra. Nhìn vào bức ảnh của mẹ, nụ cười hiền hậu của bà vẫn hiện diện, nhưng nó giữa lớp sương mờ khiến trái tim Tuấn nặng trĩu. Anh ta quỳ gối, Nhi đưa khăn tang cho chồng. Cất lên đầu, cầm nén hương tiễn mẹ, Tuấn không kìm được nước mắt:

Mẹ ơi… con về rồi… mẹ dậy đi với con mẹ ơi…
Những kí ức từ thời thơ ấu bất ngờ tràn về. Tuấn từng hay làm nghịch ngợm và trêu chọc bạn. Mỗi lần đó, bố thường phải đánh anh ta, còn mẹ thì nhẹ nhàng khuyên bảo rồi đưa đi xin lỗi nhà người ta. Mỗi khi tắm cho Tuấn, cậu con trai thường làm ướt hết cả người mẹ, nhưng bà chỉ cười và cùng con chơi trò té nước vui vẻ. Nếu là bố thì Tuấn đã bị đánh nát cả chân rồi. Mỗi khi con ốm, đau, vẫn là mẹ thức trắng đêm thâu. Sáng hôm sau, dù mắt mẹ thâm quầng nhưng vẫn cười, nụ cười hiền từ y như trong bức ảnh. Ngày con kết hôn, mẹ vui lắm, mẹ đợi được bế cháu nội… nhưng mẹ ơi, con đã làm gì? Con đi chơi về muộn, mẹ vẫn đợi con trên chiếc ghế cũ. Con đánh bạc, làm hại công ty mà bố mẹ cố công xây dựng, mẹ chỉ lặng lẽ lau nước mắt. Bây giờ, con không thể nào làm được cả bát cơm cúng mẹ. Giờ này, con mới hiểu “những lời Phật dạy” mẹ treo trong phòng học của con từ nhỏ. Đúng vậy, tội lỗi lớn nhất không phải là tội giết người mà là Bất Hiếu. Luật pháp có thể xử con mấy năm, mười năm ngồi tù, nhưng nụ cười hiền hậu của mẹ, cử chỉ ấm áp của mẹ sẽ là một sự khổ hình theo con suốt đời này.

Anh ta chỉ biết quỳ xuống và khóc. Trước khi rời đi, Tuấn cũng được dẫn giải đi một đoạn đường rồi cùng các chiến sĩ chuẩn bị trở về trụ sở cảnh sát. Trước khi rời đi, anh ta nhìn Nhi, người đang khóc đến nỗi mắt đã sưng húp:

Nhi, em… xin lỗi. Anh biết, bây giờ có ngàn lời xin lỗi cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Nhưng gia đình cần em. Anh nhờ em và chị Vân lo liệu mọi việc giúp anh, anh đi đây!

Chị Vân, vợ của anh Tài, nghe lời Tuấn nói, Nhi không biết phải trả lời thế nào. Tuấn hiểu rằng bà Tâm yêu thương Nhi và khi bà ra đi, Nhi cũng có thể rời xa anh ta. Hiện tại, Tuấn là người bị kết án, anh ta không còn quyền can ngăn Nhi nữa, vì chính anh ta đã đẩy cô đến con đường này. Chính Tuấn đã phá vỡ lời hứa, hủy hoại cuộc sống hạnh phúc của một gia đình nhỏ, và dập tắt ngọn lửa yêu thương trong lòng Nhi. Hết cờ bạc, anh ta lại bỏ vào việc cá độ, không thay đổi và chấp nhận những hậu quả của mình.

Mấy ngày sau…

Sau lễ tang của bà Tâm, ông Tráng, Tài và Nhi đến trụ sở cảnh sát để hỏi về tình hình của Tuấn. Thực ra, trong thời gian này, gia đình chưa được phép gặp Tuấn vì anh ta đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, nhờ sự quen biết và ủng hộ từ ông Tráng, họ được phép gửi đồ dùng cá nhân cho Tuấn. Nhưng khi họ bước vào phòng trực ban, nghe ông Tráng giải thích, cảnh sát chỉ gật đầu và nói:

Tôi đã biết, khi gặp Tuấn thì được, nhưng cô Anh Thư đang gào khóc trong đó, tinh thần rất hoảng loạn. Cô ấy nói rằng cả cuộc đời này sẽ không tha thứ cho ông đấy!

Bài viết liên quan