Mặt trời sau giông bão chương 17 | Di chúc của bà Tâm
Nhi cúi đầu chào luật sư và mời ông vào nhà. Luật sư Chiến đặt chiếc cặp lên bàn rồi thắp hương cho bà Tâm trong khi Nhi gọi ông Tráng và vợ chồng anh Tài đang ở sau vườn vào nhà. Luật sư châm hương, đứng kính cẩn và nói to, rõ ràng như đang trò chuyện chứ không phải lầm rầm khấn:
Bác Tâm, tôi là Chiến từ Văn phòng luật sư thành phố, người gặp bác lúc bác tới lập di chúc. Hôm nay, tôi đến để thực hiện lời hứa với bác – đọc bản di chúc sau hai tháng bác mất cho chồng và các con của bác. Bác yên tâm nhé!
Những lời đó rơi vào tai ông Tráng và Tài mà không bỏ sót một từ nào. Vợ ông đã lập di chúc mà ông không biết? Liệu bà đã chuẩn bị cho cái chết của mình không? Và tại sao bản di chúc được đọc sau hai tháng mà không phải khi bà mới mất?
Chờ luật sư thắp hương xong, ông Tráng chào hỏi và mời luật sư Chiến ngồi. Luật sư Chiến nhã nhặn nói:
Thưa ông, đây chắc là anh Tài – con cả của ông phải không? Vì tôi được biết con trai út của ông hiện nay mới lãnh án bốn năm tù vì là đồng phạm trong vụ biển thủ công quỹ.
Ông Tráng gật đầu:
Đúng vậy, có Vân – vợ của Tài đang làm mấy việc dưới bếp nữa, để tôi gọi con bé lên. Vậy là các anh đã hiểu rõ về gia cảnh của chúng tôi. Còn việc anh vừa nói trước bàn thờ của vợ tôi, chúng tôi lại chưa rõ.
Luật sư Chiến lên tiếng:
Vâng, trước khi mất, bác Dương Tâm có đến văn phòng của chúng tôi và đưa một tờ di chúc viết tay. Bác nói muốn lập di chúc khi còn tỉnh táo vì bác đi khám, bác sĩ cảnh báo về nguy cơ đột quỵ. Lúc ấy, tôi đã động viên bác giữ sức khỏe, đừng lo lắng, nhưng bác nằng nặc đòi chúng tôi làm mọi thủ tục cho bác yên tâm. Bác nói nếu mất đi, sau hai tháng tôi mới công bố bản di chúc.
Ông Tráng ngắt lời:
Đó là điều tôi thắc mắc. Nay có cả con trai và hai con dâu tôi ở đây, Tuấn thì đang chịu cảnh tù tội nhưng tôi vẫn sẽ truyền đạt đầy đủ khi vào thăm cháu.
Luật sư Chiến gật đầu:
Lúc đó, tôi cũng hỏi bác, thông thường những người đến chúng tôi lập di chúc thì văn bản sẽ công bố sau khi người đó mất, dài hơn thì cũng một tuần. Khi tôi hỏi, bác nói con trai út của bác dại dột, nợ nần nặng lãi, nhưng cũng là đứa sống tình cảm. Nếu mất, hai tháng là thời gian để gia đình tĩnh tâm và anh út nhìn nhận lỗi lầm của mình. Và cô con dâu út đang mang thai, hai tháng để bào thai cứng cáp hơn. Bác muốn thời gian để mọi người bình tâm và chuẩn bị cho cuộc sống mới không có bác ấy. Đó là trường hợp đầu tiên tôi gặp, một người quá cẩn thận và lo lắng cho gia đình.
Ông Tráng không kìm được nước mắt. Đến lúc gần kề cái chết, vợ ông vẫn lo lắng cho sự bình tâm của mọi người, bà mong muốn mọi người sớm tìm được lòng an nhàn. Ông nhìn tấm ảnh thờ của vợ và nói:
Vậy vợ tôi mong muốn điều gì trong di chúc? Anh hãy trình bày đi!
Luật sư Chiến mở cặp, để lên bàn một bản di chúc viết tay và những giấy tờ cần thiết rồi nói:
Trong bản di chúc, bà Dương Tâm nói rằng hai căn nhà ở thành phố F và ở ngoại thành đều mang tên hai vợ chồng. Bà mong mọi người yêu thương nhau, làm việc để chuộc lại nhà. Mặt khác, nhà và vườn ở vùng ngoại thành, tức là mảnh đất này, bà Tâm muốn chia đôi. Một phần để cho vợ chồng anh Nguyễn Tài, một phần cho cô Ngô Tuệ Nhi là con dâu út. Bà ghi rõ nếu cậu con trai út hồi tâm chuyển ý thì sẽ ở cùng với ông Nguyễn Tráng để chăm sóc ông vì câu cả đã có nhà riêng rồi.
Khi nghe đến đó, trong khi ông Tráng ngồi trầm ngâm xúc động thì Nhi là người ngạc nhiên nhất. Cô lắp bắp:
Sao… sao vậy? Mẹ … để vườn cho tôi ư?
Luật sư Chiến nhìn cô:
Cô là Ngô Tuệ Nhi phải không?
Nhận được sự gật đầu từ Nhi, vị luật sư tiếp tục:
Đúng vậy, phần vườn bà ấy chỉ để cho mình cô thôi, chứ không phải vợ chồng cô. Bà còn bảo cô siêng năng làm vườn nên việc chia phần vườn là hợp lý rồi, nếu không cô tùy ý sử dụng!
Ông Tráng không tỏ ra ngạc nhiên, nhưng trong lòng ông lại nảy lên nhiều suy nghĩ. Ông nợ bà quá nhiều, nhưng đến cuối đời, bà vẫn mong Tuấn thay đổi để chăm sóc ông. Tuy nhiên, tại sao vườn lại để cho Nhi chứ không phải là cho hai vợ chồng? Chẳng lẽ bà muốn họ ly hôn ư?
Đang suy nghĩ thì ông nghe luật sư Chiến nói:
Tôi đã trình bày tất cả những gì bà Dương Tâm làm việc với văn phòng luật sư, giấy tờ đầy đủ và đúng pháp luật. Về phần bà Dương Tâm có cả bản ghi tay, tất cả mọi chứng từ đều có dấu đỏ và điểm chỉ vân tay của bà ấy, nên tôi mong mọi người chấp hành theo di nguyện của bà Tâm để bà ấy yên lòng. Nếu có gì thắc mắc, chúng tôi sẽ giải quyết trong phạm vi của mình.
Ông Tráng nhìn luật sư Chiến:
Cảm ơn anh!
Vị luật sư chào cả nhà rồi xin phép ra về. Trong căn phòng, chỉ còn lại ông Tráng, vợ chồng anh Tài và Tuệ Nhi. Vú Bảy đang dọn dẹp dưới bếp, người làm vườn tranh thủ đưa mớ khoai tây thu hoạch được đi bán. Từ khi bà Tâm mất, hai người giúp việc buồn rầu, nhưng họ cũng ra sức chăm sóc mọi thứ như khi bà còn sống để bà yên lòng nghỉ ngơi. Ông Tráng nhìn một lượt con trai và hai cô con dâu rồi hỏi:
Nhi, con thấy bản di chúc thế nào?
Nhi nhìn ông:
Dạ thưa bố, con không nghĩ mẹ lại để dành vườn cho con… con quá bất ngờ ạ!
Anh Tài lên tiếng:
Anh thì không ngạc nhiên. Thực ra, Nhi và Tuấn là vợ chồng, nhưng Tuấn chưa hoàn thành trách nhiệm của một người chồng với em và một người con rể với bố mẹ em. Nhìn chung, em cũng chịu nhiều thiệt thòi nên mẹ cho em phần vườn cũng không có gì sai. Mẹ cũng hy vọng chúng ta có thể mua lại căn nhà ở thành phố để bố được ở trong căn nhà mà bố mẹ đã dành nhiều công sức xây dựng, và hy vọng Tuấn sẽ thay đổi để chăm sóc bố.
Ông Tráng nhìn Nhi với ánh mắt nghi ngờ:
Bố lại không nghĩ như thế!
Tài quay sang bố với sự ngạc nhiên:
Bố nói vậy có ý gì ạ?
Ông Tráng vẫn không rời mắt khỏi Nhi. Ông như đang thăm dò thái độ của cô:
Mọi thứ không thể lại suôn sẻ như thế được. Nhi, con nói thật đi, trước sự ra đi của mẹ con – người luôn bênh vực con, có phải con và tên luật sư kia đã dựng lên chuyện này không?
Nhi kinh ngạc tột độ. Không chỉ cô mà cả vợ chồng anh Tài cũng thế. Chị Vân nói:
Bố …. Tại sao bố lại nói thế?
Ông Tráng vẫn chăm chú nhìn Nhi:
Con luôn gần gũi mẹ, ăn nói nhẹ nhàng, chiếm trọn vẹn tình cảm của mẹ chồng. Vậy thì việc giả chữ viết, chữ ký của bà đâu khó khăn gì. Nếu con thèm của cải như những kẻ nghèo hèn khác, bố sẵn lòng cho đấy, đừng bày trò!
Nhi vừa ngạc nhiên lại vừa tức giận. Những ngày tháng ở nhà này với phận làm dâu, làm vợ, cô chưa bao giờ có ý định tìm kiếm lợi ích của gia đình chồng. Cô không ngờ cái chuyện đó mà ông Tráng cũng nghĩ ra được. Cô thẳng thắn nói:
Thưa bố, từ khi con làm dâu, con chưa bao giờ làm gì có lỗi với gia đình này. Nhưng con không hiểu tại sao bố không ưa con, hết lần này đến lần khác bố nghi ngờ con. Cả việc con mang thai cháu nội của bố mà bố cũng nói đó là con hoang. Giờ mẹ để vườn cho con, bố lại nói con dựng chuyện. Mẹ là người gần gũi con, đúng vậy, vì mẹ hiểu con. Còn bố, có bao giờ bố mở lòng để trò chuyện chưa? Từ con dâu đến người giúp việc, bố chỉ nghĩ tiền là giải quyết được hết, bố có biết mọi người chỉ cần bố hòa nhã vui vẻ không?
Nhiếp ảnh luật sư có cả chữ viết tay, dấu đỏ, có cả điểm chỉ dấu vân tay của mẹ. Bố nói con làm giả, vậy thì căn cước công dân của mẹ còn đó, không đốt đi, bố thử đi kiểm tra dấu vân tay trên giấy tờ và trên căn cước công dân xem sao?
Ông Tráng sững người trong giây lát rồi lại chất vấn Nhi:
Vậy tại sao bà ấy chỉ để lại cho cô mà không phải cho cả hai vợ chồng? Chẳng phải cô dựng lên mọi chuyện rồi kiếm cớ chia tay thằng Tuấn và lãnh miếng đất sao?
Nhi cười chua chát:
Bố à, bố lăn lộn bao năm trên thương trường mà suy nghĩ như vậy thì con cũng phải chịu. Bố nói con nghèo nên tham của, vậy con hỏi bố trước khi lấy mẹ, bố cũng là người không giàu, bán gạch thuê rồi mở cửa hàng, sau đó được sự giúp đỡ của nội ngoại mà mở công ty. Bố vẫn nhắc cho anh Tuấn nhớ rằng bố đã đi lên từ cơ cực. Bố chê người nghèo, chẳng phải chê chính quá khứ của mình sao bố? Còn nữa, gia đình mẹ giàu có, vậy bố lấy mẹ có phải là tham giàu không?
Thấy ông Tráng trân trân nhìn mình, Nhi tiếp tục:
Con nghèo thực sự nhưng không hèn bố ạ. Con chỉ muốn học tập, làm việc, xây dựng kinh tế bằng khả năng của mình thôi. Con không vì một mảnh đất mà bán rẻ lương tâm, phản bội lại tình cảm của mẹ Tâm như vậy đâu. Nếu bố cảm thấy không hài lòng, con xin phép không nhận mảnh vườn này.
Anh Tài, nhận thấy tình hình căng thẳng, lên tiếng:
Thôi bố ơi, con cảm thấy thím Nhi rất thật thà, lo lắng cho gia đình. Thằng Tuấn gây ra bao nhiêu rắc rối mà thím ấy vẫn im lặng, vẫn làm việc. Bố đừng nói như vậy!
Vân đồng tình với chồng:
Con cũng đồng ý với anh Tài đấy bố ạ. Con và thím ấy ít gặp nhau nhưng con biết thím Nhi không phải như bố nói đâu!
Ông Tráng lắc đầu:
Trong cuộc sống, không nên tin quá nhiều vào ai cả. Tin người cũng không sai, nhưng tin quá làm người ta dễ bị lợi dụng lắm!
Nhi kháng khái nói:
Thưa bố, như con vừa nói, nếu bố cảm thấy không hài lòng, con sẽ không nhận đất vườn nữa. Điều đó có nghĩa là bố không cần lo lắng về việc con lấy của nhà chồng và không cần phải nghĩ đến việc giấy tờ giả mạo. Còn lý do mẹ cho con, con biết. Mẹ từng nói với con rằng khi không thể chịu đựng nữa thì cứ ly hôn. Bố và mọi người cũng hiểu, với một người như anh Tuấn, thà anh say rượu, đánh bạc con còn khuyên nhủ, nhưng nếu phản bội tình cảm của con như thế thì khó chấp nhận lắm. Nhưng đó chỉ là những lời mẹ nói với con, không có bằng chứng gì cả, vậy nên bố có lẽ không tin đâu!
Nghe tất cả những điều đó, ông Tráng im lặng. Chợt vú Bảy từ dưới bếp đi lên nói:
Tôi có bằng chứng đây ạ!