Mặt trời sau giông bão chương 23 | Rời khỏi nhà
Nghe ông Tráng nói, cả ba người chưng hửng. Tuy nhiên, thái độ bực bội của ông khiến Nhi thất vọng, còn hai người giúp việc chỉ biết cúi đầu. Lúc này, vú Bảy chỉ ước bà Tâm còn sống, bởi bà nói ông sẽ nghe. Từ ngày bà mất, ông Tráng sống trầm mặc như một cái bóng, ông Thái sang chơi mới khiến ông cười. Giờ đây, những lời Nhi nói khác nào tạt cho ông một gáo nước lạnh. Ông Tráng tức đến đỏ mặt nói tiếp:
Ai làm việc người đấy, cứ đúng bổn phận của mình mà làm. Nếu thấy rảnh rỗi quá thì để tôi kiếm thêm việc cho!
Nhi thấy hình như việc của mình đã khiến bà vú và bác Năm bị giận lây nên cô nói:
Bố ơi, những gì con nói là cảm nhận của bản thân con, nhưng bác Năm và vú Bảy cũng chứng kiến nên nói lên suy nghĩ của mình thôi, bố đừng mắng hai người mà tội nghiệp. Hai người cũng vì lo cho con mới nói chuyện với bố!
Bác Năm và vú Bảy vẫn im lặng. Ông Tráng nói:
Nếu muốn chủ không mắng thì làm cho đúng bổn phận của người giúp việc, đừng chõ miệng vào việc của người khác!
Thấy tình hình căng thẳng, Nhi nói:
Tất cả là lỗi của con, nếu bố trách cứ trách mình con thôi ạ. Đằng nào thì con và anh Tuấn cũng không thể tiếp tục, nên con hi vọng những ngày con ở đây sẽ được yên ổn. Con nghĩ mẹ cũng thấy hết và hiểu rõ ai đang làm gì. Nếu con có thiếu hơi đàn ông cũng không nhìn đến bạn của bố chồng đâu ạ.
Rồi cô quay sang bà vú và bác Năm:
Con cảm ơn hai người, con sẽ không khiến hai người chịu thiệt thòi đâu. Hai người đi nghỉ sớm đi ạ!
Ông Tráng chờ Nhi nói xong câu đó thì nhếch môi cười:
Đấy là cô tự khai ra đấy nhé. Vậy ra cô thiếu hơi đàn ông thật nên kiếm người ngoài đúng không? Cả làng người ta đồn cô cặp bồ với thằng Duy đấy! Bạn của chồng không tha, giờ đến bạn của bố chồng cũng không tha sao?
Nhi tức đến tím mặt, cô nói giọng nhẹ nhàng:
Bố à, ở đời không ai nói trước được điều gì. Có những người hôm nay giàu sang, ngày mai lại nghèo khó hoặc ngược lại. Thế nên, con không dối trá đâu. Còn tin hay không là quyền của bố. Việc con và anh Duy chỉ là quan hệ công việc không hơn không kém. Ai nói gì thì nói, đứng trước bàn thờ mẹ, con xin thề cho đến giờ phút này, người con đặt tình yêu duy nhất vẫn là anh Tuấn, mặc dù có thể tuần sau, con sẽ ra tòa ly hôn với anh ấy.
Ông Tráng thở dài, ngả người ra ghế:
Không nghe gái đ.ĩ giải thích, loại đ.ĩ t.h.õ.a là già mồm nhất.
Nhi nắm chặt tay và gật đầu:
Được, bố hãy nhớ những gì bố nói hôm nay. Trước kia, con trai bố phản bội con, nhưng vì mẹ Tâm, con đã cố gắng gượng để chăm sóc mẹ. Nhưng giờ mẹ mất rồi, vì một dự án ở cơ sở mây tre đan mà con nán lại mái nhà này sau lễ một trăm ngày mẹ, giờ bố gọi một người hết lòng vì gia đình là con đ.ĩ thì bố nên nhớ rằng đời này có luật nhân quả. Vì một phút không minh bạch mà cái tên Anh Thư suýt làm bố phá sản thì những gì anh Tuấn đã làm, những gì bố đã nói sẽ không thoát được Tòa án Lương Tâm, không thoát được lưới Trời đâu bố ạ.
Ông Tráng trừng mắt nhìn Nhi rồi đập bàn quát:
Mất dạy. Cút khỏi nhà tao!
Nhi đứng dậy:
Bố nghĩ xem, điều gì níu kéo con ở lại nhà này ngoài tình thương dành cho mẹ và những người giúp việc? Trước đây, con cũng rất kính trọng bố dù bố nghi ngờ con đủ kiểu. Và sau khi mẹ mất, con nghĩ rằng bố đã thay đổi nhưng con nhầm rồi!
Ông Tráng ngắt lời Nhi:
Tao nói không sai mà, bà Tâm chiều mày cho lắm vào, rồi có ngày mày ngồi lên đầu lên cổ. Giờ mày có thêm miếng đất vườn nên càng lì lợm, đuổi cũng không thèm đi phải không?
Nhi mỉm cười:
Bố ơi, không phải ai cũng tham lam như bố nghĩ đâu ạ. Con đã từng nói rồi, nếu bố thấy khó chịu thì cứ giữ lấy mà dùng. Con có nhận nó cũng vì sự tôn trọng dành cho mẹ thôi!
Ông Tráng liếc Nhi:
Thôi, cha mẹ thế nào thì con thế ấy. Bố mẹ cô lúc nhà này giàu thì giọng ngọt như mía lùi, giờ thấy xuống cấp thì mỉa mai, miệt thị. Trừ khi cô không phải nòi giống nhà họ, chứ nếu là con đẻ thì cô tử tế sao nổi!
Chưa bao giờ Nhi lại thấy xấu hổ về bố mẹ như thế này. Trong lễ một trăm ngày của bà Tâm, cái lắc đầu ngán ngẩm của ông Tráng đã khiến Nhi muốn độn thổ. Cô cảm nhận được cái khinh bỉ trong đó, nhưng đến hôm nay, điều đó mới lên đến đỉnh điểm. Sự miệt thị trong câu nói khiến Nhi có chút sững người lại, nhưng rồi cô vẫn bình tĩnh trả lời bố chồng:
Có lẽ con phải hỏi lại bố mẹ con chuyện đấy. Nhưng một gia đình như thế này, ngoài mẹ Tâm và hai người giúp việc, vợ chồng anh Tài thì những người như bố và anh Tuấn, xin lỗi, con không phục!
Ông Tráng lại tiếp tục mỉa mai:
Mày nghĩ mày chờ li hôn với thằng Tuấn sẽ có thêm chút đỉnh nên giả tiếng chê bai mảnh đất vườn à? Tao nói cho mày hay, cái nhà này lao đao vì nó. Thế nên hai đứa mày ly hôn trên mặt pháp luật, còn tài sản chả có cái c.h.ó gì nữa đâu!
Nhi lại cười:
Một người ích kỷ chỉ nghĩ được đến đó. Con sẽ đi và chẳng cần gì hết. Bố làm theo lời mẹ nghĩa là còn trân trọng mẹ, nếu không thì mẹ sẽ buồn. Còn con, con sẽ không bao giờ vì của cải mà đánh cược tình cảm của mình!
Nhi nói xong thì quay ngoắt vào phòng của mình. Cô lấy vali và dọn dẹp những thứ cần thiết. Còn khoảng hai tuần nữa thôi, cô sẽ yên tâm rời khỏi xưởng nhưng tình hình này thì Nhi phải rời khỏi căn nhà này, không đêm nay thì ngày mai. Đồ của cô không nhiều, những giấy tờ quan trọng cô cất vào ví, còn lại quần áo và đồ dùng cá nhân cho vào vali.
Xong xuôi, cô định sang phòng vú Bảy thì cảm nhận một làn gió mạnh thổi tốc vào. Mùa này gió lạnh không có gì đáng phải bàn, nhưng cơn gió này rất mạnh, thổi tốc vào bàn thờ bà Tâm khiến tấm rèm che bay lên, chiếc đèn thờ tắt phụt. Dù đã quá một trăm ngày bà
Tâm, nhưng ông Tráng vẫn luôn thắp một chiếc đèn bằng loại dầu không khói ở bàn thờ bà mỗi ngày. Ông nói để bà được sưởi ấm qua mùa lạnh giá này. Thấy đèn tắt, ông Tráng đang ngồi ở ghế bỗng rùng mình, sống lưng lạnh toát. Ông nói:
Vú Bảy, đèn hết dầu rồi sao? Lửa bật nhỏ như thế làm sao gió có thể thổi tắt được?
Bà vú cũng vội vàng chạy lại:
Không ông à, đèn vẫn còn nhiều dầu. Tôi nhớ là sáng nay mới thêm dầu vào mà, ít nhất cũng ba ngày mới hết.
Vú Bảy châm lửa rồi chụp lại để chắn gió. Vú thắp hương lầm rầm khẩn vái gì đó, một lát sau, gió lặng hơn. Nhưng bà vú nhìn thấy ông Tráng cứ ngồi nhìn chằm chằm vào tấm ảnh bà Tâm, miệng ông cứ run run. Ông vẫn thường ngắm ảnh bà, lau đi lau lại cho sáng bóng. Tuy nhiên, biểu cảm lúc này lạ lắm, dường như ông bị xúc động mạnh. Bà vú vội nói:
Ông chủ, ông mệt sao?
Ông Tráng giật mình rồi lắc đầu:
À không, bỗng nhiên tôi thấy bà ấy cứ nhìn tôi là lạ, không giống ngày thường thôi. Có lẽ do hôm nay tôi hơi mệt nên tưởng tượng ra thế, chứ ảnh thì biểu cảm làm sao được!
Ông Tráng nói rồi đứng dậy đi vào phòng. Nhi nhìn lên bàn thờ, cô không thấy gì lạ, chắc ông ấy mệt thật. Nhiều lúc cô cũng thấy ông Tráng đáng thương, nhất là khi ông cặm cụi lau đi lau lại tấm ảnh bà Tâm. Tuy nhiên, nghĩ lại những lời ban nãy giống như một sự bộc bạch sau những ngày kìm nén của cả ông và Nhi, không thể hàn gắn.
Nhi đi vào phòng vú Bảy, cô ngồi xuống giường rồi gọi vú đang đóng cửa bên ngoài:
Vú ơi, con có việc muốn nói với vú ạ!
Chờ vú Bảy vào ngồi xuống cạnh mình, Nhi cầm bàn tay xương xương của vú:
Vú ơi, có lẽ ngày mai con sẽ rời khỏi đây. Công việc của con khoảng hai tuần nữa mới xong, nhưng có lẽ con phải xin lỗi mẹ, xin lỗi vú và bác Năm, con ….
Giọng cô nghẹn lại, những uất ức lâu nay cùng những lời nói ban nãy khiến cô không nói nổi. Bà vú rưng rưng, đôi mắt đỏ hoe:
Nhi à, con chịu đựng đủ sức rồi, con không cần xin lỗi bà chủ vì con đã nói sau lễ một trăm ngày sẽ rời khỏi, nhưng giờ con đã ở lại đây thêm một thời gian dài. Vú biết, một phần vì dự án, nhưng một phần con muốn hương khói cho bà chủ và lo cho hai thân già này. Nhưng những lời ban nãy ông chủ nói, vú nghĩ con nên đi, vì ông ấy nói quá đáng thế ai mà chịu được.
Nhi gật đầu:
Vú và bác Năm giữ sức khỏe nhé. Với lại, hai người nhớ giữ liên lạc với con, ai thay số điện thoại thì nói cho con một tiếng. Con hứa sẽ gặp lại hai người. Trừ trường hợp quá đặc biệt, nếu không thì giỗ nào của mẹ, con cũng về. Sau này, nếu con khấm khá, thực hiện được ước mơ, chắc chắn con sẽ lại đón hai người về ở với con.
Bà vú chảy hai dòng nước mắt trên gò má đã có những nếp nhăn:
Ừ, vú nhớ rồi, vú sẽ luôn mang theo điện thoại, vú cũng sẽ ghi số điện thoại của con ra giấy nữa cho yên tâm, lỡ có việc gì còn có mà gọi. Nhưng… con định đi đâu?
Nhi cúi đầu:
Hiện tại, con cũng chưa biết đi đâu. Ở cơ sở mây tre đan có một phòng trực buổi trưa của nhân viên, cũng có bếp nữa nên con định ở tạm đó. Khoảng hai tuần nữa xong việc, con sẽ tìm nhà thuê trọ ở thành phố khác, chứ ở đây lâu dài con cũng không yên, nhất là ông Thái!
Vú Bảy gật gật đầu:
Ừ, con tính thế cũng được, cứ quyết như vậy đi. Nếu nhớ con quá, buổi trưa vú sẽ ghé vì giờ đó cũng không có người ở nhà, chứ đi buổi chiều lỡ lão kia đến lại mệt.
Nhi ngồi trò chuyện với vú Bảy một lát rồi qua chào bác Năm. Lâu nay bác dựng cái lều rồi đưa cái chõng ngủ ngoài vườn, vì dạo này đêm đêm vẫn có kẻ vào trộm rau củ. Vả lại, trước kia còn nhà thì vú và bác ngủ hai phòng riêng dưới này, giờ ông Tráng và Nhi lấy hai phòng đó rồi, vú Bảy xuống ngủ sát bếp, còn bác Năm ra ngủ ở ngoài vườn.
Đêm ấy, Nhi trằn trọc mãi, gần sáng mới chợp mắt. Hi vọng quyết định này sẽ giúp cuộc sống của cô bình an hơn.
Sáng hôm sau…
Nhi dậy sớm hơn bình thường, ra chợ mua hoa tươi và trái cây. Chợ đã mở từ năm giờ sáng nên khi cô ra lúc sáu giờ, đã đông người mua bán sỉ, lẻ. Nhi rửa sạch hoa quả, sau đó kính cẩn dâng lên bàn thờ của mẹ chồng, thắp hương và nói:
Mẹ, hôm nay con đến để chào mẹ trước khi rời khỏi đây. Con đã giữ những lời hứa với mẹ, con hy vọng mẹ sẽ an tâm nghỉ ngơi, đừng lo lắng về bất kỳ điều gì. Sắp tới, dù con không còn là con dâu nhưng vẫn luôn là con gái mẹ…
Sau khi vái lạy bà, Nhi kéo vali ra ngoài. Khi ra đến cửa, cô thấy ông Tráng cũng bắt đầu đi làm. Thấy Nhi bước ra thềm, ông nói:
Đợi một chút!