Mặt trời sau giông bão chương 25 | Bôi nhọ danh dự
Không gian trở nên ái muội, tưởng chừng như có thể nghe được cả tiếng thở của nhau. Nhi phá tan không khí đó bằng việc bước lại máy tính và cười:
Em đang xem mấy mẫu thiết kế mới, rất đẹp, sếp xem có đưa vào xưởng được không?
Duy hiểu hành động của cô. Anh cũng tự thức tỉnh mình rằng cô chưa ly hôn. Duy mỉm cười gật đầu:
Em thấy đẹp tức là đẹp rồi!
Giá mà lúc này anh có thể đưa tay vuốt mái tóc kia thì tốt biết mấy. Nhưng Duy lại không thể! Cuối cùng, tiếng chuông điện thoại reo lên phá tan sự im lặng và ngại ngùng. Duy nói:
Anh nghe điện thoại một chút nhé!
Rồi anh ngồi xuống giường nghe điện thoại rất tự nhiên. Đó là một cuộc gọi của đối tác. Duy vui vẻ trò chuyện, thi thoảng lại liếc sang Nhi khiến cô ngại kinh khủng ý. Cái ông sếp này cũng kỳ, giục người ta đi ngủ mà vẫn ngồi nói điện thoại được. Cuộc gọi kéo dài khoảng mười lăm phút và chốt lại là Duy sẽ lên máy bay đi công tác vào đêm mai. Không phải Nhi nghe lỏm đâu nhé, bởi vì tiếng loa to quá tự đánh vào tai cô đấy chứ. Tắt máy, anh quay sang cô:
Sao, em còn mày mò đến bao giờ? Gửi mấy mẫu đó cho anh, nếu không có tính độc quyền của cơ sở khác thì anh sẽ nghiên cứu, rồi thêm hoặc bớt chi tiết. Còn nhiệm vụ của em bây giờ là đi ngủ, rõ chưa?
Nhi rất ngại với lối nói chuyện gần gũi này của Duy. Cô gật đầu:
Vâng sếp, em đi ngủ luôn đây!
Duy không nói không rằng ghé sát người Nhi, tay điều khiển con chuột máy tính tắt nguồn máy sau khi chụp lại mấy mẫu Nhi đang xem. Ở cự ly này, Nhi thật sự thấy Duy rất gần, chỉ tiếc là tình cảm lâu nay cô dành cho Duy là sự cảm phục với một cấp trên, một người đàn ông tốt, có tâm. Cô cười:
Sếp để em làm cho!
Duy nhìn xuống cô. Lúc này, hai gương mặt chỉ cách nhau một quãng ngắn:
Em sợ bị người ta hiểu nhầm à?
Giọng anh nhỏ và ấm lắm khiến Nhi bất giác đỏ mặt:
Sợ chứ, người yêu sếp mà biết được thì em không biết phải làm thế nào?
Duy nhìn cô, ánh mắt chất chứa bao điều muốn nói:
Anh chưa yêu ai bao giờ!
Nhi đưa tay đẩy nhẹ Duy ra:
Thôi, người như sếp mà chưa yêu chỉ có cún mới tin. Em sợ thị phi lắm rồi, phiền sếp giữ khoảng cách giúp em!
Câu nói của cô khiến anh thấy thú vị, nhưng đó cũng như một tín hiệu để nói anh đừng hi vọng quá nhiều. Duy bật cười:
Thôi, em ngủ đi, ta còn nhiều thời gian để bàn về vấn đề này. Nếu có gì không ổn nhớ gọi bảo vệ và gọi cả anh nữa nghe chưa?
Nhi gật đầu:
Ok sếp! Cảm ơn sếp nhiều!
Duy đặt tay lên vai cô:
Không phải cảm ơn, là sếp của em tự nguyện!
Nhi không nói nữa, vẫy tay tạm biệt Duy, vì cô sợ sự đưa đẩy của ngôn từ khiến mọi chuyện lại đi xa hơn.
Bóng Duy đã đi khuất mà Nhi vẫn có cảm giác hồi hộp. Cô biết mình là một người thất bại trong tình yêu và hôn nhân, nhưng cái nhìn của Duy dành cho cô lạ lắm.
Nếu như anh dành một chút tình cảm cho cô thì Nhi phải từ chối nó ngay lập tức, từ chối càng sớm càng tốt. Bởi một người như anh xứng đáng có được tình yêu trọn vẹn và tốt đẹp hơn cô. Điều quan trọng nữa là cô không thấy trái tim mình rung động, có thể nó không muốn run rẩy trước đàn ông nữa vì nó tổn thương quá nhiều rồi, cũng có thể nó đang bị thương nên mọi loại vitamin bổ dưỡng đều vô tác dụng. Với lại, những tin đồn nhảm nhí khiến cô muốn giữ khoảng cách với Duy. Đằng nào cô cũng đi khỏi đây nên ai nói sao cũng được, nhưng Duy là một giám đốc tài năng, một người tâm huyết với ngành nghề truyền thống, người có trái tim tốt đẹp. Anh không nên bị vướng vào những lùm xùm đó. Thế nên, nếu ở Duy đang nhen nhóm lên một chút yêu thương cho cô thì Nhi nên cắt đứt nó để tình cảm đó không bùng cháy lên nữa. Tối hôm ấy, cô ngủ khá ngon. Có lẽ vì sau những chuyện mệt mỏi xảy ra, cô cần nghỉ ngơi…
Sáng hôm sau…
Nhi dậy sớm nấu nước ấm bỏ vào phích đặt trong phòng, để lát pha sữa bầu, hoặc nếu Khắc Duy ghé qua thì sẽ pha cà phê cho anh. Duy không có thư ký như những giám đốc khác nên cứ ai tiện thì pha giúp anh, hoặc có lúc anh đã tự pha. Ít ra, trước những sự ưu ái của anh, Nhi cũng cần bộc lộ một chút cảm kích. Còn nhân viên đã có mấy máy lọc nước đủ hai vòi nóng – lạnh ngoài kia.
Sáng nay, cô chỉ cần hướng dẫn qua cho xưởng đan, công việc nhàn hơn việc hướng dẫn làm khung mấy hôm trước. Khoảng chín giờ sáng, Nhi vừa từ xưởng đan định trở ra khu trưng bày sản phẩm để thẩm định qua một chút, xem có sai sót gì không. Mỗi ngày cô dành khoảng ba mươi phút để đi xem xét những sản phẩm mới làm.
Nhưng hôm nay, cô đã giáp mặt ngay với một người mà Nhi căm ghét, ghê tởm và đang cố lảng tránh – Lão Thái. Trong khi Nhi trân trân nhìn ông ta vì ngạc nhiên khi thấy lão ở đây thì lão ta lại tỏ ra rất bình thường:
Tuệ Nhi!
Cô giật mình, nghĩ đến những hình ảnh mấy ngày trước khiến Nhi buồn nôn, nhưng đây là nơi làm việc, khách khứa lại đang xem sản phẩm khá nhiều nên sau giây phút ấy, cô cúi chào:
Dạ cháu chào bác! Bác đến xem sản phẩm của cơ sở cháu ạ?
Ông Thái bước đến trước mặt Nhi nói khẽ:
Chiều qua tôi có sang nhà mà chờ mãi không thấy Nhi về. Sau đó, tôi hỏi ông Tráng mới biết Nhi đã rời đi từ sáng qua, không rõ đi đâu. Vậy ra, Nhi vẫn làm việc ở đây à?
Cô nghĩ ở đây mình chả việc gì phải sợ lão, ông ấy sẽ chẳng thể sử dụng kế điệu hổ ly sơn được nữa. Nhi gật đầu:
Dạ vâng, công việc của cháu ở đây mà bác! Bác đã thấy ưng ý sản phẩm nào chưa ạ?
Ông Thái vẫn chằm chặp nhìn cô:.
Nhi làm những sản phẩm nào, tôi sẽ mua hết!
Nhi cười, trong lòng thầm nghĩ lão già này đúng là không còn thuốc chữa nữa:
Thưa bác, những sản phẩm ở đây là công lao của tất cả mọi người theo từng công đoạn, từ thiết kế mẫu đến chuẩn bị nguyên liệu, rồi làm khung, đan, trau chuốt từng chút, không riêng một ai làm ra sản phẩm nào cả bác ạ! Bác muốn mua sản phẩm nào thì cứ nói các em nhân viên bán hàng, các em ấy sẽ tư vấn và lấy giúp bác ạ!
Ông Thái nhếch môi:
Nhi chọn giúp tôi được không?
Nhi nghĩ một người như ông Thái chả biết liêm sỉ là gì, nếu mình làm phật ý chắc ông ta chẳng để yên đâu. Thế nên cô vẫn nhẹ nhàng:
Vâng, nếu bác muốn, cháu sẽ giúp bác ạ! Nhưng cháu không hiểu biết về những sản phẩm ở đây bằng các em nhân viên đằng kia đâu ạ, bác cho cháu hỏi bác muốn mua sản phẩm phục vụ cho việc gì ạ? Để trang trí hay làm quà biếu hoặc để sử dụng ạ?
Cô vừa nói vừa tiến tới những gian trưng bày sản phẩm rồi tiếp tục:
Ở đây có rất nhiều sản phẩm, tùy vào mục đích sử dụng của khách hàng, các bạn ở đây sẽ tư vấn kỹ hơn cho bác nếu như bác muốn ạ. Vì thực sự ở cơ sở của cháu, bộ phận nào làm công việc của bộ phận ấy bác nhé!
Vừa lúc đó, một bạn nhân viên bước tới:
Chị Nhi, chị có việc gì sao ạ?
Nhi chỉ sang ông Thái:
À, bác này muốn mua sản phẩm mây tre đan. Em tư vấn cho bác ấy nhé!
Cô bé nhân viên gật đầu ” dạ” một tiếng. Nhi cũng cúi đầu chào ông Thái. Nhưng cô vừa đi được một bước thì bị ông ta kéo tay lại:
Này cô làm nhân viên kiểu gì đấy? Tôi yêu cầu cô tư vấn cho tôi cơ mà!
Biết mình đã bị lão dê già này làm phiền, Nhi quay lại nói nhẹ nhàng:
Thưa bác, nãy giờ cháu vẫn ăn nói rất lịch sự, rằng cháu không phải là nhân viên bán hàng và có rất nhiều bạn ở đây hiểu về sản phẩm hơn cháu sẽ tư vấn cho bác. Quy định của cơ sở chúng cháu là ai làm việc người nấy, mặt khác khi bác yêu cầu cháu, cháu cũng đã hỏi bác cần những sản phẩm với mục đích gì nhưng bác nào có trả lời đâu ạ Thế mà giờ bác lại trách cháu!
Lúc này có khoảng mười lăm người đang đứng xem sản phẩm. Sự giằng co của ông Thái và Nhi thu hút ánh nhìn của họ, một số người chỉ trỏ, xì xào. Nhi nói:
Phiền bác thả tay cháu ra để cháu còn đi làm việc của mình. Bác muốn mua gì sẽ có các bạn ở đây tư vấn ạ.
Mấy bác lớn tuổi đang xem hàng cũng nói:
Thôi ông ạ. Cô ấy đang mang thai, giằng co như vậy lỡ có chuyện gì xảy ra thì sao? Với lại, ở đây có rất nhiều nhân viên tư vấn nhiệt tình. Ông còn bắt cô ấy làm như thế thì không hay lắm!
Ừ, ông ấy nói phải đấy! Các bạn ở đây rất nhiệt tình mà. Mình già rồi cũng không nên làm ồn ào!
Nhi ra sức gỡ tay ông Thái nhưng lão ta nắm rất chặt đến mức đỏ ửng cả cổ tay. Ông ta quắc mắt:
Các người thì biết cái quái gì. Con này là một kẻ đ.ĩ thõa, có chồng đàng hoàng nhưng lại dan díu với một người trong cơ sở này, bị nhà chồng ruồng rẫy, họ nghi ngờ cái thai này không phải của chồng cô ta, cãi nhau om sòm. Rồi giờ bỏ đi trong khi chưa ly hôn chồng, tôi đến để dạy cho nó biết lễ nghĩa!
Mấy người kia nhìn sang Nhi. Cô chẳng thèm quan tâm là họ nghĩ gì về mình lúc này, nhưng điều như lo lắng không sai. Những lời ấy có thể ảnh hưởng đến Duy dù ông Thái không nhắc đến tên anh. Cô chỉ sợ anh mang tiếng và cơ sở mây tre đan bị mất mặt. Đây là tâm huyết của anh và mọi người gây dựng nên bấy lâu nay. Vì thế, Nhi thấy khó xử. Nhưng dù bị ông Thái nói như tát nước vào mặt, cuối cùng Nhi vẫn chọn cách bình tĩnh đáp lại:
Xin lỗi bác, thứ nhất, việc riêng của cháu không liên quan đến bác và bác cũng không hiểu rõ sự tình. Thứ hai, đây là nơi làm việc, cần có tôn ti trật tự, bác lớn tuổi rồi đừng làm trò cười nữa!
Cô biết, nếu như những người kia xa lạ thì có mười cái miệng, Nhi cũng không thể nào minh oan được cho Khắc Duy, nhưng cô cứ nói ra những lời trong lòng mình. May thay, trong số những người đang đứng xem lại có một cô ở ngay trong xóm của Nhi. Cô ấy đưa người họ hàng tới đây mua quà lưu niệm. Người phụ nữ ấy nghe Nhi nói xong mới tiến lại gần:
Thưa mọi người, tôi là người trong xóm này. Các bác ở đây là khách du lịch, là người nơi khác đến mua hàng mà phải nghe những lời vừa nãy quả là khó chịu. Không để mất thời gian mọi người, tôi khẳng định rằng cô Nhi đây không như những lời ông kia nói đâu. Chồng cô ấy là một kẻ chơi bời rồi nợ nần, bị người ta lấy cả nhà, giờ đang ngồi tù. Bà mẹ uất ức mà mất. Cô này mới về nhưng tôi biết, ngoan hiền, nhẫn nhịn. Cô ấy bỏ đi hay không thì tôi chẳng rõ, nhưng nếu là tôi thì tôi bỏ từ lâu rồi. Đằng này cô Nhi chăm sóc mẹ chồng hơn cả mẹ đẻ. Lễ cúng một trăm ngày mẹ chồng, bố mẹ cô ấy đến gây sự vì nhà thông gia từ giàu sang nay thất thế. Vậy mà cô này vẫn rất nhu mì, thế nên mọi người đừng nghe một chiều. Chúng ta đến đây mua sản phẩm thì cứ tìm hiểu những sản phẩm đi ạ, bỏ qua vụ việc này đi!
Rồi bà quay sang ông Thái:
Còn ông, đừng gây sự nữa. Chả ai nghe đâu!
Người phụ nữ ấy nói xong, mọi người cũng nhìn sang ông Thái rồi tản dần, đi đến những gian hàng trưng bày. Ông ta bực tức thả tay Nhi và nói:
Con đ.ĩ, vì mày bỏ chồng theo trai nên chồng mày mới phá phách như thế!
Nhi chán chả buồn nói với loại người như ông ấy, cô quay bước định đi thì một giọng nói rất ấm vang lên:
Chà, một cơ sở mây tre đan lớn thế này, chẳng biết bảo vệ đâu mà để cho một kẻ không bình thường vào làm loạn như vậy?