Mặt trời sau giông bão chương 35 | Cuộc sống mới

14/03/2024 Tác giả: Hà Phong 472

Vú Bảy ở với Nhi được một tháng thì cô giục vú về lo cho ông Tráng. Cô nhắc lại lời bà Tâm trước khi mất:

Vú quên là mẹ Tâm dặn vú chăm sóc ông Tráng chu đáo sao? Con còn bố mẹ, có cả Thùy nữa, chị Vân và anh Tài cũng đến vài lần cho bé đủ thứ, vậy là con vui rồi. Con nghĩ mẹ Tâm cũng ấm lòng rồi.
Bà Bảy ngậm ngùi rồi quyết định sẽ về chăm sóc ông Tráng. Vừa hay lúc đó, bà nghe cậu Tài thông báo rằng cậu đã giúp ông Tráng cùng hùn tiền lại chuộc căn nhà ở thành phố F. Còn nhà ở ngoại thành thì ông vẫn để vậy đã. Ông muốn chờ xem Tuấn ra tù có tu chí để lấy lại căn nhà ấy không. Vậy là ông ấy đã thực hiện được lời hứa với vợ, đưa bà về căn nhà hai vợ chồng đã cất công dựng xây. Vú Bảy nghe tin thì mừng lắm:

Con ơi, vậy là giờ vú ở cách con ba cây số thôi, vú sẽ qua lại được. Mừng quá!
Nhi cũng mừng cho gia đình chồng cũ, mừng cho người mẹ chồng hiền lành phúc hậu được quay trở lại ngôi nhà của bà. Từ đó, mỗi tuần vú Bảy lại đến với Nhi hai lần cho tới khi Cà Chua được ba tháng. Trộm vía, con bé cũng cứng cáp, Nhi mát sữa nên cô nuôi con khá nhàn. Ông Tráng sau khi biết Nhi sinh con thì có tới một lần. Ông nói đang thực hiện di nguyện của bà Tâm, nhận đứa bé làm cháu nội, con của Nhi mang họ Nguyễn, cô đặt tên con là Nguyễn Tuệ An. Bố mẹ Nhi cũng đỡ phàn nàn hơn. Có lẽ việc cô chủ động trong chuyện tiền bạc khiến họ không có cớ để trách Nhi.

Thấy con được ba tháng, Nhi muốn đi làm thêm. Cô tham khảo một số công việc hợp với mình rồi nói ý định cho bố mẹ nghe. Bà Loan thấy Cà Chua cũng dễ tính nên đồng ý. Ông Tráng đưa lại chiếc xe máy cho Nhi. Buổi sáng, cô vắt sữa để ở nhà rồi tới phụ cho quán cà phê cách nhà khoảng một cây số. Chiều về, Nhi bán hàng online đồ trẻ em. Còn tối, cô lại đưa sách vở ra học sau khi con ngủ. Nhi hài lòng với cuộc sống đó vì mọi thứ đều phù hợp với cô, vừa chăm được con vừa thỏa mãn ý thích kinh doanh của Nhi. Cô nóng lòng chờ đến kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia. Thế nên, Nhi đã dành dụm để khi có kết quả tốt sẽ tiếp tục con đường học tập, thay đổi bản thân. Điều cô lo lắng là nếu cô đi học, Cà Chua mới hơn sáu tháng tuổi sẽ ở với ai đây? Bé là thứ tình cảm rất đặc biệt với Nhi, tình mẫu tử nó lạ lắm, như một thứ thần giao cách cảm, một thứ gì đó thân quen đến lạ lùng. Thế nên, Nhi vẫn tính toán để có được giải pháp tốt nhất. Cô nghĩ việc mình thực hiện ước mơ để thay đổi cuộc đời cũng là vì con, là tốt cho bé con của cô. Vú Bảy không thể theo cô tới thành phố C nếu cô đỗ đại học được, vì vú còn phải chăm lo cho gia đình ông Tráng.

Cuối cùng thì ngày đó cũng đến, Nhi tới thành phố C hai hôm trước ngày thi để làm quen với trường và làm thủ tục dự thi. Sữa cô vẫn dự trữ trong tủ và Cà Chua lâu nay cũng làm quen với sữa bột nên không lo lắm. Chỉ là cô nhớ con đến quay quắt. Những ngày thi diễn ra khá suôn sẻ. Ngày cuối cùng ở lại thành phố C trong dịp thi, Nhi định sẽ đi dạo khu chợ nổi tiếng và mua cho công chúa nhỏ mấy chiếc váy. Cô cũng tranh thủ tìm kiếm công việc làm thêm bán thời gian và dịch vụ giúp việc ở thành phố C để cân đối xem có thể đưa bé đến nơi sầm uất này hay không.

Trưa hôm đó, Nhi dành cả buổi để tìm hiểu trên các trang mạng cung cấp người giúp việc và cả phòng trọ nữa. Nhi rất tin tưởng vào khả năng đỗ đại học của mình bởi cô thi khối Khoa Học Tự Nhiên nên rất dễ dàng tự chấm điểm bài thi của mình. Nhi đã ước tính số điểm của cô sẽ cao hơn điểm chuẩn năm ngoái ít nhất hai điểm, nên cô tự tin vào kết quả. Nhi chỉ lo tới ngày nhập học sẽ không kịp nên tranh thủ tìm hiểu qua. Đang lần mò trên mạng, cô nghe tiếng bác Thảo chủ nhà:

Tuệ Nhi, cháu có ở trong phòng không?
Phòng trọ này cô thuê từ trước ngày thi, ở gần một tuần và thấy bác chủ rất dễ mến. Nhưng từ trưa đến giờ, Nhi vẫn tìm kiếm khu trọ nào gần với các quán cà phê hoặc hàng ăn đêm để có thể xin làm thêm ở đó lại vừa chú ý đến Tuệ An. Nghe tiếng bác chủ, cô vừa rời bàn học vừa nói:

Dạ có ạ!
Nhi mở cửa, thấy bác chủ trọ trên tay cầm một túi bóng và nói:

Có chút đặc sản của thành phố C gửi cho gia đình cháu và chiếc váy cho bé con. Dù con đến đây mới gần một tuần, nhưng bác thấy gần gũi lắm. Bác trai mất mấy năm rồi, con cái đi làm ăn xa nên cũng buồn, chỉ có ba phòng trọ mà hai phòng kia làm công nhân ở công ty nên đi suốt, rảnh lại về quê nên cũng ít tiếp xúc. Bác quý con bởi tính cách thật thà, cứ nhận cho bác vui.
Nhi rất xúc động. Có lẽ cô sống lương thiện nên gặp người tốt. Ngày cô đến làm thủ tục dự thi, sữa căng tức khiến Nhi không chịu nổi. Cô lên cơn sốt, bác chủ biết nên sang hỏi han. Nhi cũng thành thực nói hoàn cảnh của mình. Cô nghĩ sự chân thành sẽ chạm tới tình yêu thương và quả thực như vậy. Thấy Nhi sốt cao, bác nghĩ rằng Nhi nên cai sữa luôn vì sắp tới học tập liệu có thể đưa được con theo? Nhưng cô nhất quyết không cai sữa mà cố gắng để Cà Chua được dùng sữa mẹ. Nhi vẫn vắt bớt sữa cho đỡ tức ngực. Năm ngày cả trước và sau khi thi, dù khó chịu cô vẫn chấp nhận sáng sáng dậy vắt sữa ra bớt cho đỡ tức. Một điều may mắn là trong khu trọ có chị Hòa làm công nhân, chồng chị đi làm xa, đứa con đầu thì để ở quê, còn bé thứ hai mới một tuổi đi cùng với chị và bà nội đến thành phố C làm việc. Chị ấy lại ít sữa nên Nhi đã cho con chị ấy bú hoặc vắt ra bình cho bé. Thế nên, trong ba phòng trọ, ai cũng quý Nhi. Tuy nhiên, hai phòng kia cứ vài tuần lại về quê, chị Hòa về với bé lớn ở nhà, có khi công ty tăng ca thì một tháng mới về một lần. Công việc bận rộn, thành ra người gần gũi với bác chủ lại là Nhi dù cô mới đến. Cũng nhờ những con người nơi đây mà Nhi đỡ được cơn căng tức sữa.

Bác chủ trọ thấy Nhi rưng rưng đón lấy túi quà thì cười hiền:

Đừng ngại, bác xem cháu như con gái nên không phải lo. Chiều nay lên xe rồi hả?
Nhi mời bác vào nhà, kéo chiếc ghế nhựa mời bác ngồi rồi nói:

Dạ khoảng bốn rưỡi chiều cháu lên xe, đến nhà là vừa tối bác ạ. Lát nữa cháu cũng định ra chợ mua chút đồ cho Cà Chua rồi về luôn. Giờ cháu đang tìm mấy phòng trọ cạnh quán cà phê hoặc hàng ăn đêm để sau này làm thêm. Cháu cũng tìm hiểu mấy chỗ thuê người giúp việc xem có thể đưa Cà Chua đến đây không.
Bác Thảo nhíu mày:

Không nên thuê gần những chỗ đó đâu con à, những chỗ như thế phức tạp lắm.

Nhi bần thần cả người:

Dạ cháu biết! Nhưng cháu không thể xa Cà Chua nên mới muốn đưa cả bé đến đây và tìm chỗ làm gần, để chạy đi chạy về. Đằng nào cũng phải thuê người trông Cà Chua ạ!
Bác Thảo lắc đầu:

Cháu đừng nghĩ đơn giản như thế. Cháu quá thật thà, nhưng không có nghĩa luôn gặp người tốt, vì bác xem cháu như con nên bác mới nói. Người giúp việc thì tìm không khó, nhưng những chỗ phức tạp như thế không tốt cho mẹ con cháu. Vả lại, người giúp việc mà tìm hiểu không kỹ đôi lúc còn nguy hiểm hơn cho bé. Mặt khác, làm ở những quán cà phê, cửa hàng ăn, cháu có thể chủ động đổi ca nhưng thật sự bác không yên tâm.
Nhi thấy bác Thảo nói không sai. Vì thành phố C là một nơi sầm uất, không như thành phố F của cô. Kể cả thành phố nơi cô sinh ra nhiều khi còn thật giả lẫn lộn nói gì đến nơi đây. Cô thầm suy nghĩ, không biết thế nào cho phải. Bác Thảo nhìn Nhi rồi lên tiếng:

Hay là thế này! Nếu con đến học, con cứ ở lại đây, bác cháu mình cũng hiểu nhau, quý nhau. Cà Chua thì bác xung phong giữ. Bác trông cháu nhiều rồi mà, giờ rảnh rỗi chỉ ngồi nhận lương hưu cũng buồn. Con đi học thì cứ vắt sữa sẵn, đưa Cà Chua cho bác. Hôm nào bác bận mà bà nội bé Gil ở nhà thì nhờ bà ấy, chứ thuê người giúp việc không biết làm sao cả.
Bé Gil chính là cậu nhỏ mà Nhi hay cho sữa. Chị Hòa mẹ bé bận rộn cả ngày, lại ít sữa nên bé quấn bà nội và cả Nhi nữa. Cô mới ở đây có mấy ngày nhưng bé đã quen rồi. Nghe bác Thảo nói, Nhi cúi đầu:

Được vậy thì còn gì bằng ạ! Con sẽ đi làm trả lương cho bác. Nhưng con không trả được nhiều đâu ạ, bác đừng buồn con nha! Con cũng không muốn tìm chỗ trọ khác vì rất mến bác. Nhưng quan trọng là phải tìm việc làm thêm nữa bác ạ!
Bác Thảo suy nghĩ rồi ” à ” lên một tiếng:

Bác nhớ ra rồi! Ở đường X cách đây một con phố, có cửa hàng W. Bác nhớ hồi trước đây có một bé sinh viên cũng xin đến đó làm, nó cũng học công nghệ thông tin, làm công việc văn phòng thôi và vào buổi tối. Con thử tìm hiểu xem!
Tuệ Nhi mừng rơn:

Thật sao bác? Bác quen chị ấy ạ? Chị ấy cũng ở trọ ở đây ạ bác?
Bác chủ trọ lắc đầu:

Con bé không ở đây nhưng em gái nó lại ở đây. Hai chị em nhìn qua giống nhau lắm, bác còn tưởng sinh đôi cơ. Cô em lấy chồng trước, nhà cũng gần đây luôn. Còn cô chị hay đến chơi nên bác biết!
Tuệ Nhi gật đầu thấu hiểu rồi nói:

Vậy là con có duyên có phước nên mới gặp được bác, mọi nút thắt được tháo gỡ cả, con cảm ơn bác nhiều lắm!
Cuộc sống là vậy, có những khi mọi thứ tưởng như quay lưng lại với ta, kể cả người thân không tốt với ta. Nhưng trên đường đời, chúng ta đi vẫn có những sự tình cờ, vẫn gặp những người dưng tốt bụng. Có lẽ cốt lõi của cuộc sống là tình thương, là niềm tin. Một tấm lòng chân thành xuất phát từ thiện tâm thì đến một lúc sẽ chạm tới sự bình an trong tâm và trong thân. Mọi chuyện sóng gió đã tạm lắng xuống, Nhi vui vẻ đón nhận tấm lòng tốt đẹp của những con người mới quen ở thành phố C. Ở cái nơi tấp nập và sầm uất nhưng vẫn không hoàn toàn quá xô bồ, bởi có những tấm chân tình như bác Thảo.

!
Chiều hôm đó, Nhi đi dạo chợ mua một số đồ rồi lên xe khách về thành phố F. Nhá nhem tối, cô về đến nhà. Cà Chua đã ăn bột và đang ngồi nghiêng ngả trong chiếc cũi gỗ. Nhi tắm rửa nhanh rồi ôm bé con vào lòng. Xa mẹ gần một tuần, con bé ôm cứng lấy mẹ, miệng mò tìm bầu ngực. Tình mẫu tử thiêng liêng quấn quýt, Nhi biết đem theo Cà Chua sẽ rất vất vả, nhưng cô tin đó là quyết định đúng đắn. Nhi thì thầm:

Con gái, cuộc sống của mẹ con mình sắp bắt đầu…

Bài viết liên quan